Các mảnh vỡ trong không gian được G7 cảnh báo

14/05/2023 | 14:47

Bộ trưởng G7 ngày 13/5 đã tuyên bố: "Chúng tôi nhấn mạnh cam kết đối với việc sử dụng không gian bên ngoài một cách an toàn và bền vững, đồng thời chia sẻ quan điểm rằng, các mảnh vỡ trong không gian là một vấn đề cấp bách".

Thông cáo về những mảnh vỡ trong không gian được đưa ra vào ngày họp thứ hai của Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ G7. Trong đó có sự tham gia của các đại diện các quốc gia: Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Sendai, Nhật Bản 

Các bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện các mảnh vỡ trong không gian là do hoạt động thám hiểm không gian và phóng vệ tinh đang ngày càng mở rộng nhanh chóng cũng như các cuộc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh bay thẳng.

Hoạt động thám hiểm và phóng vệ tinh là nguyên nhân xuất hiện mảnh vỡ trong không gian

Hoạt động thám hiểm và phóng vệ tinh là nguyên nhân xuất hiện mảnh vỡ trong không gian

Theo đó, các bộ trưởng cam kết sẽ thúc đẩy các cuộc thảo luận trong Liên hợp quốc và các khuôn khổ quốc tế khác về "tác động của các chòm sao vệ tinh lớn đối với thiên văn học để bảo vệ bầu trời tối và yên tĩnh".

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng nêu rõ: "Chúng tôi đặc biệt khuyến khích nghiên cứu và phát triển thêm các công nghệ giảm thiểu và khắc phục mảnh vỡ quỹ đạo".

Cuộc hội đàm kéo dài 2 ngày tại Sendai đã đưa ra nhất trí rằng, các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh cũng như an ninh kinh tế và quốc gia.

Các bộ trưởng cho rằng, việc phát triển và quản lý các công nghệ mới nổi và đột phá là chìa khóa để giải quyết các thách thức mới.

Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu vùng cực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Theo đó, đề xuất được đưa ra là cần tăng cường hợp tác và quan sát chung ở khu vực Bắc Cực và Nam Cực. Đồng thời, người dân bản địa cần tăng cường vai trò của mình trong nghiên cứu về Bắc Cực.

Lê Hồng

Gửi bình luận

Gửi Làm lại

Từ khóa: vũ trụ trái đất

Tạp chí Sao

Đọc nhiều nhất