Vì sao cần nghiên cứu mở rộng cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công?

Khó thu hút vốn PPP

Ban QLDA 6 mới đây đã có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021 – 2025 (giai đoạn 2) theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh, trong đó có đề cập rõ một số nội dung được các bộ chuyên ngành góp ý.

Tại báo cáo mới nhất, một trong những nội dung đáng chú ý được bổ sung hình thức đầu tư.

Vì sao cần nghiên cứu mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công?- Ảnh 1.

Một đoạn tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang mới được đưa vào khai thác theo quy mô 4 làn xe hạn chế (Ảnh: Ngọc Hà).

Theo đó, việc đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam được đề xuất triển khai đầu tư công.

Ban QLDA 6 cho biết, trong 18 đoạn tuyến dự kiến mở rộng, việc tiếp tục mở rộng 3 đoạn tuyến đang khai thác theo phương thức PPP là khó khả thi trong các phương án tài chính (có mức hỗ trợ nhà nước 60 – 70%, thời gian thu phí đã phù hợp với khả năng huy động vốn của nhà đầu tư), không khẳng định thời điểm hoàn thành cùng các đoạn tuyến đầu tư công.

15 đoạn tuyến đang khai thác hoặc đang thi công theo hình thức đầu tư công, Quốc hội yêu cầu xây dựng phương án, tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư để hoàn trả vào ngân sách Trung ương.

Bảo đảm tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tận dụng điều kiện của các dự án đang triển khai, sơ bộ kiến nghị lựa chọn đầu tư công để mở rộng các đoạn tuyến theo quy hoạch. Việc rà soát, nghiên cứu hình thức đầu tư sẽ được thực hiện trong các bước nghiên cứu tiếp theo.

Về phương án cân đối nguồn vốn, theo Ban QLDA 6 hiện, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ Xây dựng đã được phân bổ hết, tập trung cho mục tiêu 3.000km nên không thể cân đối cho việc đầu tư mở rộng.

Nhằm chủ động, linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn, đơn vị quản lý dự án kiến nghị sử dụng đa dạng các nguồn vốn, gồm: nguồn tăng thu ngân sách trung ương hàng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2026, trái phiếu Chính phủ.

“Ban QLDA 6 đề xuất Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn để làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, báo cáo nêu.

Vì sao cần nghiên cứu mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công?- Ảnh 2.

Cao tốc Bắc – Nam đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đầu tư theo phương thức PPP đã được hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 4/2024.

Sẵn mặt bằng triển khai ngay sau khi được phê duyệt

Tìm hiểu của PV, tại báo cáo mới nhất, Ban QLDA 6 rà soát, cập nhật, làm rõ ý kiến góp ý của các Bộ chuyên ngành.

Cụ thể, về hiệu quả kinh tế – xã hội, theo đơn vị quản lý dự án, hiện nay, các đoạn tuyến đã đưa vào khai thác/đang thi công đáp ứng cơ bản quy chuẩn đường cao tốc (bình diện, trắc dọc, giao cắt, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống phụ trợ) nhưng chỉ cho phép khai thác tốc độ 90km/h.

Nếu mở rộng quy mô mặt cắt ngang theo đề xuất đáp ứng quy chuẩn đường cao tốc với tốc độ được khai thác được nâng lên đến 120km/h mang lại hiệu quả KT-XH cao hơn do tiết kiệm chi phí vận hành, thời gian đi lại, ô nhiễm môi trường.

Đánh giá sự sẵn sàng về mặt bằng, điều kiện thi công, điều kiện thủ tục đầu tư, biện pháp, giải pháp tổ chức triển khai, theo Ban QLDA 6, đối với trình tự, thủ tục, các đoạn tuyến giai đoạn 1 đã hoàn thành và sẽ được triển khai đầu tư mở rộng theo các dự án thành phần độc lập sau khi chủ trương được chấp thuận.

Các đoạn tuyến giai đoạn 2 sau khi hoàn thành đưa vào khai thác quy mô 4 làn xe sẽ tiến hành điều chỉnh dự án để tiếp tục triển khai mở rộng lên 6 làn xe.

Đối với mặt bằng, khả năng đáp ứng vật liệu xây dựng, do các đoạn tuyến đề xuất mở rộng đã được GPMB theo quy mô 6 làn xe nên có sẵn mặt bằng để triển khai ngay.

Bước tiếp theo, các đơn vị sẽ nghiên cứu tận dụng các mỏ vật liệu xây dựng đang cung cấp cho các dự án thành phần để tiếp tục sử dụng khi đầu tư mở rộng các dự án thành phần giai đoạn 2 hoặc đề xuất mở lại các mỏ (nếu đã đóng) còn đủ điều kiện để sử dụng cho các dự án thành phần giai đoạn 1″, Ban QLDA 6 cho hay.

Ban QLDA 6 cũng khẳng định việc mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam được đề xuất phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp kịch bản phát triển hạ tầng khi tính toán, dự báo nhu cầu vận tải trong các dự án BOT hiện hữu nên cơ bản không tác động tiêu cực đến các dự án BOT. Việc rà soát, đánh giá tác động sẽ được đánh giá chi tiết, cẩn trọng trong bước nghiên cứu tiếp theo.

Về đề nghị bổ sung các kịch bản đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác để đạt mục tiêu 5.000km cao tốc, có tính toán đến việc hoàn thiện theo quy hoạch các cao tốc trục ngang, đầu tư bổ sung các nút giao, tuyến kết nối… trong bối cảnh phải dành nguồn vốn để mở rộng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, theo đơn vị quản lý dự án, đến nay, cả nước có hơn 2.000km đường bộ cao tốc đã đưa vào khai thác, đang thi công hơn 1.800km (trong đó, đến hết năm 2025 dự kiến hoàn thành hơn 1.000km để đạt 3.000km), đã bố trí được vốn để triển khai hơn 500km.

Như vậy, giai đoạn 2026 – 2030, các đơn vị chỉ cần nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, đưa vào khai thác khoảng 700km là sẽ hoàn thành mục tiêu 5.000km.

Trên cơ sở hiện trạng đầu tư và nghiên cứu nhu cầu thực tiễn, phương án đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông được đề xuất thực hiện trên phạm vi thuộc đoạn Hà Nội – TP.HCM (gồm 18 dự án/dự án thành phần) với chiều dài đầu tư khoảng 1.144km, quy mô 6 làn xe, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 152.135 tỷ đồng.

Riêng các đoạn tuyến chưa được nghiên cứu mở rộng như: đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau (dài 149km), theo Bộ Xây dựng, đây là đoạn có nhu cầu vận tải chưa lớn; điều kiện thi công khó khăn, nhu cầu vật liệu hiện nay đang thiếu hụt sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ, tăng chi phí đầu tư.

18 dự án/dự án thành phần được đề xuất đầu tư mở rộng, gồm: Mai Sơn – QL45, QL45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.

Cùng đó là các dự án: Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Hoài Nhơn – Quy Nhơn, Quy Nhơn – Chí Thạnh, Chí Thạnh – Vân Phong và Vân Phong – Nha Trang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *