Theo phản ánh của người dân, đoạn QL1, tuyến tránh phía Đông TP Thanh Hóa xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Đoạn QL1, tuyến tránh phía Đông TP Thanh Hóa do Công ty Cổ phần BOT đường tránh TP Thanh Hóa đầu tư, được đưa vào sử dụng năm 2009 với tổng chiều dài hơn 10km.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều năm qua, đoạn QL1, tuyến tránh qua địa bàn TP Thanh Hóa dài hơn 10km đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT nhưng chưa được đại tu, gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
“Đường này hư hỏng nặng và kéo dài từ ngã tư phường Quảng Thịnh đến vòng xuyến BigC. Mặt đường nham nhở, trám vá như áo rách khâu loang lổ. Mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì đọng nước. Đi đường như đang cưỡi ngựa trên đường rừng”, anh N.V.N, ngụ ở TP Thanh Hóa bức xúc.

Nước ứ đọng bên lề đường mỗi khi trời mưa.
Được biết, đoạn QL1, tuyến tránh phía Đông TP Thanh Hóa do Công ty Cổ phần BOT đường tránh TP Thanh Hóa đầu tư, được đưa vào sử dụng năm 2009 với tổng chiều dài hơn 10km, chiều rộng nền đường 26m.
Tuyến đường được thiết kế bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, dải phân cách giữa rộng 5 m, toàn tuyến có 5 cầu, 5 nút giao. Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 822 tỷ đồng, theo hình thức BOT.
Theo hợp đồng và các phụ lục hợp đồng dự án giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục đường bộ Việt Nam) và nhà đầu tư thì thời gian thu phí hoàn vốn đường tránh TP Thanh Hóa dự kiến thực hiện trong vòng 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận kéo dài thêm 3 năm.
Tuy nhiên, tháng 8/2017, Bộ GTVT sau khi đánh giá thực tế, cho rằng đơn vị khai thác đã thu hồi quá số vốn đầu tư nên yêu cầu dừng hoạt động trạm BOT Tào Xuyên sau 7 năm 2 tháng.

Khe co giãn trên các cầu cũng bị bong, không được sửa chữa thường xuyên.
Cũng từ sau thời điểm đó cho đến nay, việc duy tu, bảo dưỡng trên tuyến tránh phía Đông TP Thanh Hoá rơi vào tình trạng bỏ lửng. Nhiều năm qua, đại diện phía Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá cho rằng, do ngừng thu phí nên không có nguồn kinh phí sửa chữa hư hỏng, đảm bảo giao thông.
Mặt khác, tuyến đường chưa được bàn giao từ Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá cho Bộ giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng). Để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, Khu QLĐB II đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ 472 duy tu, sửa chữa nhưng chủ yếu vẫn mang tính tạm thời.

Thời gian qua, việc trám vá tạm chỉ mang tính tạm thời khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Đình Quang, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT đường tránh Thanh Hoá cho biết, hiện nay, đoạn QL1, tuyến tránh TP Thanh Hóa đã được bàn giao cho Khu QLĐB II. Việc duy tu, sửa chữa là do Khu QLĐB II đảm nhận.
Về việc này, ông Bùi Trọng Tuệ, Trưởng văn phòng QLĐB II.1 (thuộc Khu QLĐB II) cho hay: “Đoạn tuyến này đang trong quá trình kiểm kê tài sản để bàn giao và vẫn chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân nên Bộ chưa giao kinh phí bảo dưỡng thường xuyên”.
Cũng theo ông Tuệ, nhiều năm qua, tuyến đường không được sửa chữa nên hư hỏng nặng mặt đường, gây mất ATGT. Trước tình hình này, năm 2023, Khu QLĐB II đã huy động gần 4 tỷ đồng để tiến hành sửa chữa mặt đường, các hệ thống biển báo, vạch sơn, khe co giãn…