Thủ tướng: Sớm nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Chiều 21/4, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với các tỉnh, thành phía Nam về tình hình triển khai thực hiện những dự án giao thông trọng điểm qua khu vực. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam cùng dự.

Thủ tướng: Sớm nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau- Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp chiều 21/4.

Đến 2027 vùng ĐBSCL có 553km cao tốc

Mở đầu buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, xác định khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng còn yếu về hạ tầng giao thông nên thời gian qua, Chính phủ dành nguồn lực đầu tư triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, trong đó phải kể đến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và nâng cấp các tuyến quốc lộ, hệ thông giao thông đường thuỷ.

“Dứt khoát 19/12 này phải khánh thành cao tốc nối Cần Thơ đi Cà Mau, để sớm nối thông cao tốc từ Cà Mau đi Lạng Sơn. Hôm nay, chúng ta sẽ tập trung các vấn đề giao thông. Tôi đề nghị các đồng chí đánh giá lại hệ thống giao thông thời gian qua, khó khăn, vướng mắc liên quan việc triển khai các dự án”, Thủ tướng chỉ đạo.

Báo cáo Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, theo quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, toàn quốc có 5.000km cao tốc.

Trong đó, khu vực ĐBCSL khoảng 1.200km đường bộ cao tốc, bao gồm ba tuyến cao tốc trục dọc: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông dài 336km; cao tốc Bắc – Nam phía Tây dài 180km; cao tốc TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng dài 150km.

Ba tuyến cao tốc trục ngang gồm Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 190km; Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu dài 212km và Hồng Ngự – Trà Vinh là 188km.

Thủ tướng: Sớm nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngày 19/12 phải hoàn thành cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Năm 2025, dự kiến hoàn thành 206km gồm 2 dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Cà Mau; dự án thành phần 1 Cao Lãnh – An Hữu; năm 2027 sẽ hoàn thành thêm 226km. Như vậy, đến năm 2027 sẽ nâng tổng số thành 553km cao tốc ở vùng ĐBSCL.

Về lĩnh vực hàng không, khu vực ĐBSCL có bốn cảng hàng không. Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ quy hoạch đến 2030 công suất khai thác 7 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Cà Mau đến 2030 đạt 1 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Rạch Giá đến 2030 là 0,5 triệu hành khách/năm; Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đến 2030 là 10 triệu hành khách/năm.

Thủ tướng: Sớm nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau- Ảnh 3.

Đến năm 2027, vùng ĐBSCL sẽ có 553km đường cao tốc, gồm cả trục dọc và trục ngang. Đến năm 20230 sẽ có 1.200km cao tốc.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL có một tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, chiều dài 174km. Giai đoạn 1 có mức đầu tư khoảng 7,16 tỷ USD; giai đoạn 2 khoảng 2,7 tỷ USD. Bộ Xây dựng đã thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đã thông qua báo cáo giữa kỳ. Dự kiến hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước tháng 9/2025.

Đối với đường thủy, theo quy hoạch, khu vực ĐBSCL có 12 cảng biển. Trong đó, cảng biển Sóc Trăng tiềm năng phát triển khu bến ngoài khơi cửa Trần Đề để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng.

Các cảng biển khu vực ĐBSCL được quy hoạch với đầy đủ quy mô, công năng cho hàng container, hàng tổng hợp, hàng lỏng/khí, hàng rời với cỡ tàu lớn nhất trọng tải lên đến 160.000 tấn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì đầu tư dự án cảng Hòn Khoai ( 15.000 tỷ đồng) và đường nối đất liền ra cảng (17.000 tỷ đồng). Hiện, Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức thực hiện theo chỉ đạo.

Thủ tướng: Sớm nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà báo cáo việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.

Sớm bố trí vốn cho các dự án còn thiếu

Về nguồn vật liệu cho các dự án đang triển khai tại khu vực ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, đến nay, nguồn vật liệu cát cơ bản đáp ứng yêu cầu thi công. Tỉnh An Giang đã hoàn thành việc tăng trữ lượng 2,9 triệu m3 đối với mỏ đá Antraco, giúp giải quyết khó khăn về nguồn đá cho các dự án khu vực ĐBSCL và đã phân bổ để cung ứng cho những dự án cao tốc có tiến độ hoàn thành năm 2025.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp, hỗ trợ các địa phương thực hiện di dời những vị trí đường điện cao thế để bàn giao mặt bằng cho các dự án trong tháng 4/2025.

Đối với tỉnh An Giang, cần tiếp tục ưu tiên nguồn đá từ mỏ Antraco cung ứng cho dự án đường Hồ Chí Minh, đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau.

Thủ tướng: Sớm nối thông cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau- Ảnh 5.

Công nhân tập trung thi công cao tốc đoạn qua Cà Mau.

Thứ trưởng Phạm Minh Hà cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hướng dẫn các địa phương xử lý khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc cấp phép khai thác mỏ và cung ứng vật liệu cho các dự án theo đúng tiến độ. Đồng thời, hướng dẫn phương án điều chuyển những mỏ được cấp theo cơ chế đặc thù còn trữ lượng nhưng không còn nhu cầu khai thác cho dự án khác.

Bên cạnh đó, sớm đánh giá lại trữ lượng, chất lượng nguồn cát sông, cát biển tại khu vực ĐBSCL làm cơ sở để các địa phương triển khai thủ tục cấp mỏ theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, cung ứng cho những dự án chuẩn bị triển khai.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu bố trí vốn còn thiếu cho dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh – An Hữu; Mỹ An – Cao Lãnh; cầu Rạch Miễu 2 vào tháng 9/2025.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *