Ngư dân, doanh nghiệp vận tải lo lắng
Trung tuần tháng 2/2025, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại cảng vận tải Phan Thiết (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) có tàu cao tốc và hàng trăm tàu cá neo đậu chờ thủy triều lên để ra khơi.

Cửa biển bồi lắng gây nguy hiểm cho tàu, thuyền ra khơi. (Trong ảnh: Tàu, thuyền neo đậu tại cảng cá Phan Thiết).
Đứng tại cảng vào giờ thủy triều rút, quan sát bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhận thấy một doi cát kéo dài hàng trăm mét cuối sông Cà Ty ở cửa biển. Đây là doi cát có từ nhiều năm qua do bồi lắng, ngày càng nhô cao trước khu vực cảng.
Theo các ngư dân, mỗi khi ra khơi, các loại tàu đánh cá phải chờ đợi thủy triều lên, không dám mạo hiểm vì lo hư hỏng tàu, gãy chân vịt khi luồng lạch quá cạn. Tàu cao tốc khởi hành ngoài việc chờ thủy triều lên phải tốn thêm phí thuê tàu lai dắt ra khơi.
Đại diện các hãng tàu cao tốc chạy tuyến Phan Thiết – Phú Quý cho biết, lịch trình xuất bến của các tàu cao tốc chở khách và tàu hàng hiện hoàn toàn phụ thuộc vào thủy triều, muốn xuất bến nhanh cũng không được. Nguyên nhân chính do luồng hàng hải ở cửa biển bị bồi lắng nhiều năm.
Tàu không thể chạy hết tải trọng
Tuyến Phan Thiết – Phú Quý hiện có 5 tàu cao tốc đang hoạt động. Trong đó, các tàu cao tốc đều có tải trọng lớn, sức chở hàng trăm khách/ chuyến.

Cửa biển Phan Thiết bị bồi lắng làm hẹp luồng hàng hải gây nguy cơ mất an toàn.
Một thuyền trưởng tàu cao tốc cho hay, nếu không được khơi thông, luồng cạn sắp tới tiếp tục phình to, khó có thể đảm bảo an toàn chạy tàu: “Nhiều tài công “vừa chạy, vừa run” dù thủy triều lên đỉnh”.
Theo ông Đinh Viết Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Cảng Thương Chánh (đơn vị quản lý cảng vận tải Phan Thiết), hiện tình trạng bồi lắng luồng hàng hải khu vực cửa biển Phan Thiết đang ở mức báo động.
Ông Cường dẫn chứng, năm 2020 luồng Phan Thiết – Phú Qúy được nạo vét ở mức -8m, nay qua khảo sát độc lập của cảng, độ sâu luồng dao động từ -1,8m đến -2m nước, không đảm bảo an toàn tàu chạy.
Năm 2020, tuyến luồng cho tàu biển 1.000 DWT đã được Cục Hàng hải Việt Nam (đơn vị quản lý tuyến luồng) tổ chức nạo vét. Tuy nhiên, sau đó do không được nạo vét thường xuyên nên vẫn bị bồi lắng cho đến nay.
“Tình trạng bồi lắng ngày càng nghiêm trọng, cồn cát phình to án ngữ ngay cửa cảng”, ông Cường vừa nói vừa chỉ tay về doi cát đang phình to trước cửa biển.
Để đảm bảo an toàn các tàu cao tốc, tàu hàng đều phải chở dưới trọng tải thiết kế. Ví dụ tàu được phép chở 1.000 DWT nay chỉ chở được từ 600 – 800DWT nhằm tránh gặp sự cố mắc cạn, tai nạn.
Vẫn chờ vị trí đổ thải
Ông Đỗ Văn Thuận, Phó giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận xác nhận, hiện nay tuyến luồng hàng hải Phan Thiết, vũng quay tàu đang bị bồi lắng rất nghiêm trọng. Theo thông báo hàng hải mới nhất của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, luồng hàng hải Phan Thiết có độ sâu thực tế có đoạn chỉ đạt khoảng độ sâu 0,6m và vũng quay tàu chỉ đạt độ sâu 1,1m.
“Kinh phí triển khai dự án nạo vét tuyến luồng hàng hải đã có. Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể triển khai do đang chờ giới thiệu vị trí khu vực bãi chứa các chất sau nạo vét của UBND tỉnh Bình Thuận”, ông Thuận nói.
Để đảm bảo duy trì chuẩn nguyên tắc thiết kế tuyến luồng hàng hải phục vụ tàu thuyền ra vào cảng an toàn, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhiều lần gửi văn bản và làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về việc đề nghị giới thiệu và chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét.
UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì với các đơn vị liên quan để thống nhất vị trí tiếp nhận chất nạo vét (dự kiến khối lượng nạo vét 200.000m3).
Mới nhất, ngày 12/2 Sở Tài nguyên & Môi trường đã chủ trì tổ chức cuộc họp cùng đơn vị liên quan để thống nhất tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định vị trí tiếp nhận chất nạo vét.
Sau khi có quyết định chấp thuận của UBND tỉnh, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ thực hiện các bước tiếp theo để triển khai nạo vét, duy tu.