Bộ GTVT vừa trình Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1.

Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đoạn qua Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: Minh Tuệ).
Theo đó, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được đề xuất tăng lên mức 22.093 tỷ đồng, tăng khoảng 4.256 tỷ đồng so với phương án được duyệt ban đầu.
Cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh, gồm: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 17.313 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách địa phương là 4.979 tỷ đồng (tỉnh Đồng Nai là 2.968 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 2.011 tỷ đồng); nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030 là 4.780 tỷ đồng.
Trước đó, tại Nghị quyết số 59/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án Biên Hoà – Vũng Tàu là 17.837 tỷ đồng, gồm: Nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 là 14.270 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách địa phương là 3.270 tỷ đồng (tỉnh Đồng Nai là 2.600 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 670 tỷ đồng); Nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2026 – 2030 là 3.567 tỷ đồng.
Một số nguyên nhân chính được Bộ GTVT chỉ rõ khiến tổng mức đầu tư dự án tăng.
Cụ thể, nút giao giữa cao tốc với đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao (ĐT991) được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất chuyển từ giao cắt trực thông thành nút giao khác mức liên thông.
Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực vận tải, tăng cường kết nối khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, khơi thông nguồn lực đất đai, phát triển công nghiệp, đô thị tại các địa phương thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức theo định hướng phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh. Dự kiến kinh phí đầu tư bổ sung khoảng 1.627 tỷ đồng.
Về chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, theo kết quả rà soát, dự kiến tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án (bao gồm bổ sung nút giao khác mức liên thông với đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao khoảng 813 tỷ đồng) là 9.856 tỷ đồng, tăng 3.227 tỷ đồng.
Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có biến động lớn dẫn đến vượt sơ bộ tổng mức đầu tư được duyệt của dự án có nguyên nhân chủ yếu do một số yếu tố: trong bước thực hiện công tác GPMB đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm và chuẩn xác lại khối lượng, cơ cấu diện tích các loại đất bị ảnh hưởng; Chuẩn xác lại khối lượng và chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật; Biến động về đơn giá bồi thường trên địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại thời điểm thu hồi đất so với dự kiến.
Chi phí xây dựng, thiết bị cũng là một trong những nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư dự án.
Theo báo cáo, tổng chi phí xây dựng và thiết bị của dự án (bao gồm chi phí xây dựng bổ sung nút giao khác mức liên thông với đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao) là 9.835 tỷ đồng, tăng 1.528 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng, thiết bị tăng thêm do quá trình triển khai, chủ đầu tư các dự án thành phần đã tổ chức thực hiện khảo sát chi tiết địa hình, địa chất, thủy văn và thỏa thuận với các cơ quan quản lý công trình hạ tầng có liên quan theo quy định, từ đó, rà soát, cập nhật, tối ưu hóa các giải pháp thiết kế (giải pháp xử lý đất yếu, thiết kế công trình cầu…) nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, ổn định và an toàn trong khai thác.
Cùng đó là biến động tăng đơn giá vật liệu, nhân công, máy thi công tại thời điểm lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình vào năm 2023 so với thời điểm lập chủ trương đầu tư và việc đầu tư bổ sung hạng mục trạm kiểm tra tải trọng xe tại 3 dự án thành phần theo quy chuẩn hiện hành.
“Với các lý do nêu trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án sau khi rà soát, cập nhật đến nay dự kiến là tăng 4.256 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.
Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15, do sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án tăng so với phương án được duyệt nên cần thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, làm cơ sở điều chỉnh dự án đầu tư đối với các dự án thành phần và triển khai các công việc tiếp theo”, Bộ GTVT thông tin.
Dự án đường bộ Biên Hoà – Vũng Tàu giai đoạn 1 có tổng chiều dài gần 54km đi qua địa bàn hai tỉnh: Đồng Nai (hơn 34km) và Bà Rịa – Vũng Tàu (19,5km).
Tuyến cao tốc được đầu tư với vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 – 6 làn xe theo từng đoạn.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần, gồm:
Dự án thành phần 1 (Km0 – Km16) do UBND tỉnh Đồng Nai làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2 (Km16 – Km34+200) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3 (Km34+200 – Km53+700) do UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản.