Theo thông tư mới, cảng vụ hàng hải là tổ chức hành chính tương đương chi cục thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao.
Cảng vụ hàng hải có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và tại ngân hàng thương mại (nếu cần) theo quy định.
Phạm vi quản lý nhà nước của cảng vụ hàng hải theo quy định của Bộ GTVT về công bố vùng nước cảng biển, khu vực hàng hải và khu vực quản lý của cảng vụ hàng hải (trừ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trong vùng nước cảng biển đã được Bộ GTVT giao cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc giao, phân cấp cho cảng vụ đường thủy nội địa thuộc Sở GTVT hoặc cơ quan, đơn vị được UBND cấp tỉnh giao thực hiện tại địa phương chưa có tổ chức cảng vụ đường thủy nội địa trực thuộc Sở GTVT).
Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm tham gia xây dựng hoặc đề xuất Cục Hàng hải VN xây dựng, đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành hàng hải.
Cùng đó, tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành có liên quan đến lĩnh vực hàng hải, các điều ước quốc tế về hàng hải mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành hàng hải được cấp có thẩm quyền ban hành, công bố hoặc phê duyệt.
Trong công tác quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và khu vực quản lý được giao, cảng vụ hàng hải cấp phép, giám sát tàu thuyền đến, rời, hoạt động tại cảng biển và khu vực quản lý, cũng như không cho phép tàu thuyền đến, rời, hoạt động tại cảng biển và khu vực quản lý khi không có đủ điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, lao động hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong công tác an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải, cảng vụ hàng hải có vai trò phê duyệt và tổ chức giám sát thực hiện phương án bảo đảm an toàn hàng hải trong vùng nước cảng biển theo quy định.
Đồng thời, tham gia ý kiến việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trong vùng nước cảng biển được giao theo quy định.
Cùng đó, chấp thuận thiết lập báo hiệu hàng hải, đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng theo quy định; kiểm tra, giám sát luồng, hệ thống báo hiệu hàng hải và các hệ thống hỗ trợ hàng hải khác.
Chủ trì điều phối hoạt động giao thông hàng hải tại cảng biển, khu vực quản lý và chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển; huy động người và các phương tiện cần thiết để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn hoặc xử lý sự cố ô nhiễm môi trường.
Quy định mới cũng bổ sung nhiệm vụ tham gia xây dựng, thực hiện các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ biến đổi khí hậu, phát triển cảng xanh, tàu xanh và giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực hàng hải.
Về quản lý công trình hàng hải và công trình khác trong vùng nước cảng biển, Cảng vụ hàng hải thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, công dân; thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức triển khai thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.