Niềm vui từ những cây cầu xóa cách trở
Hàng chục năm ước mơ có cây cầu mới nối thượng nguồn sông Trà Khúc của người dân hai xã Sơn Linh – Sơn Giang, huyện Sơn Hà cuối cùng cũng trở thành sự thật. Những ngày xuân mới Ất Tỵ còn vương vấn, người dân hai bên cầu Linh Giang vẫn chưa thôi cảm xúc ngày công trình mở cửa thông xe để người dân đi lại.

Cầu Linh Giang được đầu tư xây dựng đã xóa đi cách cách trở đò giang mỗi mùa mưa lũ.
Bà Nguyễn Thị Vy, nhà ngay đầu cầu phía xã Sơn Linh tỏ rõ niềm vui khi cây cầu bê tông cốt thép cao sừng sững mọc lên trên quê hương thay cho cây cầu cũ xập xệ, xuống cấp và mưa lũ bị chia cắt.
Bà Vy cho biết, ngày công trình khởi công, ai nấy đều mong ngóng những nhịp dầm cuối cùng được lắp lên. Có thời điểm công trình tưởng chừng phải ngừng thi công, nhưng rồi khó khăn qua đi, từng hạng mục được dựng lên và bà con nơi đây vui mừng khôn xiết.
Được biết, cầu Linh Giang có 7 nhịp, kết cấu bằng dầm super T bê tông cốt thép dài 38,3m. Riêng hạng mục đường dẫn 2 đầu cầu được thảm bê tông nhựa, có bề rộng từ 7,5 – 9m, có lề đường và cống thoát nước ngang, đường dân sinh kết nối, nút giao thông… với tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng.
Còn ở huyện miền núi Minh Long, địa phương còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở này trong mùa xuân mới người dân cũng đón niềm vui khi cầu Phước Giang nối xã Long Sơn (Minh Long) và xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) vừa được hoàn thành. Người dân địa phương không còn chịu cảnh thấp thỏm khi đi lại trên cây cầu cũ xuống cấp như trước.
Được đầu tư xây dựng kiên cố, nối hai trung tâm xã nên khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác đã tạo diện mạo mới cho địa phương.

Cầu Phước Giang nối đôi bờ sông Phước Giang giữa hai huyện Minh Long và Nghĩa Hành mở ra không gian phát triển mới cho hai địa phương.
Anh Huỳnh Xuyên Đông, xã Long Sơn bày tỏ niềm vui lớn khi quê hương xây dựng cầu mới. Anh Đông cho biết, bao ước mơ dòng sông quê có cây cầu mới thay thế cho cầu cũ xuống cấp đã trở thành sự thật. Cầu phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, đời sống sinh hoạt của người dân.
Không chỉ những công trình cầu giao thông sử dụng ngân sách tỉnh Quảng Ngãi mà dọc các huyện miền núi Quảng Ngãi nhiều công trình cầu bắc qua các sông, suối từ nguồn vốn của Bộ GTVT được phân khai đầu tư cũng đã mang lại nhiều cảm xúc và sự đổi mới cho vùng đất.
Các xã khu Tây huyện Trà Bồng trước đây thuộc huyện Tây Trà là vùng đất nghèo khó, giao thông cách trở. Trong đó, tuyến đường từ xã Trà Phong đi xã Sơn Trà bị chia cắt bởi một con suối. Vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao gây chia cắt tác động lớn đi việc đi lại của nhân dân và công tác cứu nạn, cứu hộ.
Từ nguồn vốn của Bộ GTVT thông qua dự án LRAMP, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng công trình cầu Trà Bao – Trà Quân với chiều dài 24m. Công trình mọc lên giữa rừng già bao phủ đã giúp nhân dân đi lại thuận lợi.

Cầu Trà Bao – Trà Quân được đầu tư đã xóa cảnh chia cách trên cung đường vào trung tâm xã Sơn Trà.
Không riêng gì cầu trên mà thông qua dự án LRAMP, Quảng Ngãi đã đầu tư, xây dựng 54 công trình cầu dân sinh các loại từ miền núi đến các khu vực đồng bằng khó khăn. Qua đó, đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông Quảng Ngãi và thông thương đi lại thuận lợi.
Chắp cánh cho miền ngược
Những công trình cầu giao thông được đầu tư xây dựng nơi miền ngược vừa được đưa vào sử dụng đã và đang mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc lớn cho nhân dân trong vùng khi không chỉ giao thương đi lại thuận lợi, xóa tan những cách trở mà những công trình còn chắp cánh cho các miền quê cất cánh.
Thong dong trên cầu Linh Giang nối đôi bờ thượng nguồn sông Trà Khúc còn thơm mùi nhựa đường, bà Đinh Thị Vây, ở thôn Làng Trá, xã Sơn Cao (Sơn Hà) chia sẻ, cầu Linh Giang mang đến cho gia đình tôi và người dân trong vùng nhiều cơ hội làm ăn.
Nông sản làm ra bán giá cao hơn, hàng hóa mua vào giá rẻ hơn vì giao thông thuận tiện. Vui nhất là từ khi có cây cầu, việc đi lại đảm bảo an toàn, không lo nước cuốn trôi như đi trên cầu tràn. Ngày trước, khi lũ về gây ngập cầu tràn, mì thu hoạch chất đống, thối rữa vì xe không qua sông được nên không có người về mua.
Chủ tịch UBND xã Sơn Linh Võ Xuân Thanh cho biết, chính quyền và nhân dân gọi đây là cây cầu mơ ước. Có cầu vững chắc bắc qua sông, người dân không còn lo lắng nước ngập cầu tràn, bị cô lập mỗi khi vào mùa mưa lũ.

Cầu bắc qua suối A Sin (xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây) từ nguồn vốn của Bộ GTVT đã góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng địa phương.
“Nhưng hơn tất cả, công trình cầu đã “chở” bao ước mơ đi xa, khơi dậy trong nhân dân khát vọng làm giàu khi giao thông đi lại thuận lợi. Chắc chắn rồi đây cuộc sống của người dân sẽ đổi thay nhờ công trình cầu này. Nhân dân giàu mạnh thì quê hương cũng khởi sắc. Vùng cao sẽ trở mình sớm thôi”, ông Thanh chia sẻ.
Còn Chủ tịch UBND xã Sơn Long Võ Văn Gấm tâm sự: Công trình nối thông các thôn trong xã và cả huyện Nghĩa Hành. Tạo điều kiện giao thương hàng hoá, đi lại, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời, công trình kè gần đó được đầu tư đã tạo niềm vui kép cho địa phương, tạo diện mạo mới, thay đổi bộ mặt nông thôn. Người dân kỳ vọng nhịp cầu nối những bờ vui này sẽ mang đến sự đổi thay to lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương và cuộc sống của người dân ngày càng khởi sắc.
Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi Nguyễn Phong nhấn mạnh: “Những công trình cầu được đầu tư xây dựng trên các địa phương miền núi từ các nguồn vốn khác nhau đã và đang mở ra vận hội mới về đi lại, thông thương hàng hóa. Tin rằng, trong tương lai không xa đời sống người dân sẽ thay đổi, diện mạo nông thôn sẽ đổi thay, trong đó một phần thành quả từ những công trình cầu mang lại”.