Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Đình Tuyên, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 cho biết đã làm việc với đại diện các nhà thầu để đánh giá lại tiến độ các hạng mục đang còn lại của tuyến cao tốc Vân Phong – Nha Trang.
Theo ông Tuyên, với kiến nghị của nhà thầu về việc đưa vào sử dụng gần 70km cao tốc Vân Phong – Nha Trang trước tết, đây là mong mỏi của nhà thầu và người dân.
Ban QLDA 7 đánh giá cao nỗ lực, quyết liệt, quyết tâm cao của nhà thầu trong thời gian qua và trong những ngày tới. Việc đưa vào sử dụng đoạn tuyến cao tốc càng sớm càng tốt, bởi sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là dịp tết.
Tuy nhiên, qua kết quả làm việc, chủ đầu tư và các nhà thầu cũng thống nhất khối lượng thi công ngoài hiện trường còn rất lớn. Hiện việc thảm lớp bê tông nhựa T19 còn 1km, lớp bê tông nhựa C16 còn 18km.
Hai nút giao QL1 và QL26 đang thi công nền móng, mặt đường. Trong tổng số 26 cầu, mới có khoảng 12 cầu hoàn thành, còn 14 cầu chưa xong khe co giãn. Cầu Tân Lâm mới hoàn thành 2/3 bản mặt cầu, chưa thi công khe co giãn, lan can cầu.
Hiện 7 cầu vượt đường ngang đang thi công nền móng mặt đường, trong số này, có 4 cầu chưa hoàn thành khe co giãn. Hệ thống ATGT, dải phân cách giữa còn 16km, hộ lan còn 21km, hàng rào còn 23km, sơn biển báo mới đạt 70%, đường gom còn khoảng 3,7km chưa hoàn thành…
Bên cạnh đó, toàn bộ 6 vị trí gia cố mái ta luy mới thi công được 1 vị trí, còn lại khoảng 2km chưa thi công. Hệ thống chiếu sáng của ba nút giao chưa thi công; công trình phục vụ khai thác (trạm dừng nghỉ) mới mở thầu lựa chọn nhà đầu tư, chưa được bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, trên tuyến có 2 đường điện 200Kv, ảnh hưởng khai thác chưa được di dời; 4 đường điện hạ thế, 14 đường điện theo công tơ cũng chưa di dời…
“Nói chung, khối lượng ngoài công trường chưa thi công còn rất lớn. Khó khăn nữa là Khánh Hòa đang vào mùa mưa, ảnh hưởng lớn đến việc thảm bê tông nhựa và sơn mặt đường, quá trình thi công không liên tục, nếu không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Ban đánh giá rất cao nỗ lực của các nhà thầu, tuy nhiên muốn hoàn thành các hạng mục trên đòi hỏi phải nỗ lực lớn trên công trường”, ông Tuyên nói.
Cùng với đó, theo ông Tuyên, muốn đưa công trình vào khai thác phải thực hiện các quy định về thủ tục nghiệm thu, hoàn thành đưa vào sử dụng phải thẩm tra ATGT. Muốn thực hiện các thủ tục này, phải thi công xong mới thẩm tra được và cũng phải cần ít nhất 7-10 ngày để thẩm tra.
Toàn bộ hồ sơ hoàn công theo quy định tại Nghị định 06/2021, các nhà thầu phải thực hiện, đây là điều rất khó khăn. Chủ đầu tư sẽ kiểm soát chặt chẽ từng ngày hồ sơ nghiệm thu công trình, tuy nhiên, vì khối lượng lớn nên cũng cần thời gian.
Bên cạnh đó, quy trình quản lý khai thác và tổ chức giao thông cũng phải hoàn thiện từng bước. Đầu tiên là tư vấn lập quy trình quản lý khai thác. Cục Quản lý đường bộ sẽ thẩm tra, Vụ kết cấu hạ tầng thẩm định, đủ điều kiện rồi mới trình lên Bộ GTVT phê duyệt. Sau khi xong việc này, chủ đầu tư mới tổ chức nghiệm thu cơ sở, hoàn thành đưa vào sử dụng. Sau đó, báo cáo Hội đồng nghiệm thu nhà nước, tổ chức đoàn đi kiểm tra điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Nếu đủ điều kiện, được Hội đồng nghiệm thu nhà nước cho đưa vào sử dụng, chủ đầu tư trình Bộ GTVT có văn bản công bố đưa công trình vào khai thác. Thời gian hoàn thành các thủ tục và công việc này cần 15-30 ngày.
Ông Tuyên cho biết, tinh thần là cả chủ đầu tư và nhà thầu đều đang rất nỗ lực, phấn đấu hoàn thành sớm. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào thời tiết và khả năng hoàn thành hồ sơ của các cấp thẩm quyền.
Trong ngày mai (20/12), chủ đầu tư mời các đơn vị liên quan như Cục quản lý Đầu tư xây dựng (cơ quan quản lý nhà nước theo dõi quá trình thi công), Vụ kết cấu hạ tầng, khu QLĐB 3, Sở GTVT tỉnh Khánh Hoà để cùng nhà thầu, tư vấn thiết kế đi thực tế, kiểm tra đánh giá mức độ hoàn thành đưa vào sử dụng, để làm văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét.
Ông Tuyên một lần nữa khẳng định khối lượng công việc còn rất nhiều, đòi hỏi nỗ lực của cả chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị tham gia dự án. Mục tiêu của chủ đầu tư là phải đảm bảo chất lượng, đây là yêu cầu quan trọng nhất, không vì tiến độ mà xem thường chất lượng công trình. Thứ hai là phải đảm bảo các yếu tố về an toàn giao thông, tính mạng con người là trên hết. Và cuối cùng là phải tuân thủ đúng các trình tự thủ tục khi đưa công trình vào khai thác.
Cao tốc Bắc – Nam đoạn Vân Phong – Nha Trang có tổng chiều dài hơn 83km đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hoà. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, rộng 17m và vận tốc tối đa 90km/h. Tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng. Dự kiến, dự án sẽ về đích vào dịp 30/4/2025 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, rút ngắn thời gian thi công khoảng 8 tháng so với kế hoạch ban đầu.