Giá vé xe khách thay đổi gì khi có quy định mới?

Vậy nếu dự thảo thông tư được thông qua, các doanh nghiệp vận tải có phải kê khai lại giá cước hay không?

Doanh nghiệp tự quyết định giá cước

Cách đây 1 tháng, hãng xe Vân Anh mở thêm tuyến vận tải hành khách tuyến cố định từ Bến xe huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đi Bến xe Nước Ngầm (TP Hà Nội), giá vé 180 nghìn đồng/cabin giường nằm.

Giá vé xe khách thay đổi gì khi có quy định mới?- Ảnh 1.

Xây dựng đặc điểm kinh tế – kỹ thuật dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xây dựng phương án giá vé hợp lý.

Trước đó, hãng xe này hoạt động trên hai tuyến từ Bến xe phía bắc TP Thanh Hóa và Bến xe Sầm Sơn đi Bến xe Nước Ngầm, ban đầu có giá 250 nghìn đồng/cabin và giảm xuống còn 220 nghìn đồng/cabin từ đầu năm 2025.

Đại diện hãng xe cho biết, mức giá này xây dựng căn cứ trên quãng đường di chuyển giữa hai đầu bến xe, số giường nằm trên xe, đồng thời, dựa trên nhiều chi phí. Bao gồm: nhiên liệu; lương lái xe, phụ xe; khấu hao phương tiện, hao mòn lốp, ắc quy; sửa chữa, bảo dưỡng xe; lốt bến; bảo hiểm vật chất, bảo hiểm dân sự; giá dịch vụ đăng kiểm; phí bảo trì đường bộ; lãi vay ngân hàng; xe trung chuyển và các chi phí khác.

“Doanh nghiệp vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự kê khai giá vé và đăng ký với cơ quan quản lý như Sở Tài chính, Sở Xây dựng… niêm yết giá vé tại bến xe, văn phòng, trên phương tiện để thông tin rộng rãi đến khách hàng”, đại diện hãng xe nói.

Lần đầu xây dựng cơ sở tính giá vé vận tải

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ.

Với vận tải hành khách tuyến cố định, Nhà nước yêu cầu phải kê khai giá vé. Các doanh nghiệp vận tải thuộc loại hình này tự kê khai và đăng ký giá với Nhà nước.

Giá vé mỗi tuyến được xây dựng trên cơ sở các chi phí đầu vào của giá thành vận tải. Đồng thời, được thay đổi theo cung cầu thị trường, độ tín nhiệm của hành khách cũng như chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam

Trong đó, quy định vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ sử dụng xe khách (có lắp đặt ghế khách hoặc sử dụng xe khách có bố trí giường nằm) là dịch vụ vận tải khách tuyến cố định bố trí ghế hoặc giường nằm cho hành khách.

Đồng thời, giá vé được tính toán dựa trên cơ sở về chất lượng phương tiện, lái xe, tổ chức quản lý của đơn vị kinh doanh vận tải, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có), hành trình xe chạy và quyền lợi của hành khách, tính theo ghế/km hoặc tính theo ghế/toàn tuyến (với xe ghế) và tính theo giường/km hoặc tính theo giường/toàn tuyến (với xe giường nằm).

Đại diện Vụ Vận tải và An toàn giao thông (Bộ Xây dựng) cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ xây dựng quy định đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ.

Quy định này là cơ sở để các doanh nghiệp vận tải tính toán và xây dựng giá vé sao cho phù hợp. Đồng thời, góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình quản lý hoạt động vận tải đường bộ theo tuyến cố định, nhằm đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo cạnh tranh, công bằng và minh bạch giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải.

Không cần thay đổi nếu đã phù hợp

Đại diện hãng xe Vân Anh cho biết, phương án xây dựng giá vé hiện nay của doanh nghiệp có các chi phí cấu thành tương đồng với quy định về đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của dịch vụ vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ mà Bộ Xây dựng đang dự thảo.

Đại diện một hãng vận tải khách tuyến Ninh Bình – Lào Cai cũng cho biết, hầu hết doanh nghiệp khi xây dựng giá vé đều dựa trên các yếu tố về phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ, hành trình xe chạy, tổ chức quản trị doanh nghiệp… như quy định đang lấy ý kiến.

Một chuyên gia giao thông vận tải cho rằng, quy định trên khi ban hành sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp vận tải, đặc biệt các đơn vị mới thành lập, các hộ kinh doanh cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản trị hoạt động vận tải tham khảo để xây dựng và ban hành giá vé phù hợp.

Với các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động, không nên yêu cầu xây dựng và kê khai lại giá vé. Tuy nhiên, nếu phát hiện việc kê khai bất hợp lý hoặc bán vé cao hơn giá kê khai, cơ quan quản lý có thể yêu cầu doanh nghiệp kê khai lại hoặc xử lý theo quy định.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Vận tải cho biết, khi thông tư trên ban hành, doanh nghiệp vận tải không bắt buộc phải xây dựng lại giá vé tuyến. Đây chỉ là cơ sở để các doanh nghiệp làm căn cứ tính toán phương án giá vé sao cho phù hợp với hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Tùy từng doanh nghiệp và cách vận hành hoạt động kinh doanh, tùy từng tuyến vận tải, mỗi đơn vị có thể đưa ra mức giá vé riêng. Nếu giá vé hiện tại đã phù hợp, đảm bảo hoạt động hiệu quả, được hành khách đón nhận, doanh nghiệp không cần thay đổi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *