Thấp thỏm với chính sách thuế quan từ Mỹ
Kết thúc quý I/2025, thống kê từ nền tảng nghiên cứu thị trường hàng hải Drewry cho thấy, giá cước vận tải container toàn cầu vẫn đang tiếp tục giảm. Chỉ số container thế giới đã giảm xuống còn 2.168 USD/container 40 feet. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ tháng 1/2024.

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An là một trong những doanh nghiệp đang sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Theo giới quan sát, xu hướng này có thể do sự cạnh tranh gia tăng trong bối cảnh nguồn cung tăng, cũng như hoạt động kém hiệu quả của các liên minh hãng tàu mới.
Thế nhưng, vận tải biển càng thấp thỏm khi phải đối mặt với những thách thức mới liên quan tới các thông báo thuế quan đang diễn ra tại Mỹ với các đối tác thương mại.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc áp đặt mức phí lên đến 1,5 triệu USD với tàu biển do Trung Quốc sản xuất hoặc tàu của các công ty vận tải biển do Trung Quốc sản xuất khi cập cảng Mỹ.
Nếu chính sách này được áp dụng, dự báo sẽ gây tác động lớn tới vận tải biển toàn cầu. Bởi, các tàu do Trung Quốc sản xuất chiếm 24% đội tàu toàn cầu của MSC – hãng vận tải đường biển lớn nhất thế giới. Trong khi danh sách đặt hàng tàu đóng mới cho thấy, 92% tàu biển trong tương lai sẽ được sản xuất tại Trung Quốc.
Nóng giá thuê tàu phân khúc cỡ nhỏ
Đáng chú ý, dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Linerlytica cho thấy thời gian qua, trong khi giá cước vận tải biển đang tiếp tục giảm, giá thuê tàu lại tăng cao chóng mặt. Khoảng cách giữa giá cước vận chuyển và giá thuê tàu đã đạt mức cao kỷ lục, lên tới 289%.
Cụ thể, giá thuê tàu container có trọng tải khoảng 3.500-8.500 TEU đang dao động khoảng 41.000-74.000 USD/ngày với các hợp đồng 24 tháng. Trung bình, thu nhập của các tàu container khoảng 43.000 USD/ngày, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, theo Alphaliner, giá thuê tàu đã bắt đầu tăng với các tàu có kích thước nhỏ sau nhiều tháng ổn định. Các kỳ hạn thuê cũng đang dài hơn với nhóm tàu trọng tải nhỏ.
Một số lượng lớn các hợp đồng thuê tàu trọng tải cỡ 1.500-1.900 TEU hiện đã được ký kết trong 24 tháng.
Phân khúc tàu trọng tải cỡ 1.000-1.249 TEU cũng đang chứng kiến sự gia tăng số lượng các hợp đồng thuê tàu có thời hạn lên tới 2 năm, trong khi các tàu có kích thước dưới 1.000 TEU cũng có mức giá tăng và thời hạn thuê tàu dài hơn.
Có thể thấy, nhu cầu về tàu không ngừng tăng, thị trường thuê tàu cao bất chấp thị trường vận chuyển hàng hóa đang suy thoái. Giới chuyên gia đánh giá, điều này phản ánh xu hướng đa dạng hóa trong việc tìm nguồn cung. Đồng thời, trong chuỗi cung ứng có thể sẽ xuất hiện nhiều cảng nhỏ hơn, dẫn đến nhu cầu tăng cao với phân khúc tàu feeder (trung chuyển).
Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
Thời gian qua, tận dụng bối cảnh thị trường quốc tế có những thuận lợi cho tàu container, Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (Tân Cảng Shipping) đã rút tàu khỏi thị trường vận chuyển nội địa để đưa tàu cho thuê định hạn tại nước ngoài.
Ông Nguyễn Đại Hải, Phó giám đốc Tân Cảng Shipping khẳng định, giá cho thuê các tàu, nhất là tàu phân khúc tầm trung thời gian qua đang tăng dần. Cùng một loại tàu, trước đây mức giá thuê khoảng 12.000 USD/ngày thì nay, mức giá đã lên hơn 14.000 USD/ngày.
Theo ông Hải, thị trường vận tải biển quốc tế đã rục rịch chuyển động ngay sau những tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc áp phí với các tàu được sản xuất tại Trung Quốc. Hiện nay, các tàu chạy viễn dương chủ yếu là tàu mẹ và các tàu có trọng tải lớn để giảm chi phí logistics.
“Nếu việc thu phí được áp dụng, các phân khúc tàu cỡ nhỏ và trung bình, có khả năng chạy biển không hạn chế lại được quan tâm bởi sẽ tiết kiệm chi phí hơn”, ông Hải nói.
Phân tích kỹ hơn, lãnh đạo Tân Cảng Shipping cho rằng, các tàu cỡ lớn khoảng 10.000 TEU trở lên đang chạy vào Mỹ đa số được đóng tại Trung Quốc.
Trường hợp thu phí, mức giá trên mỗi TEU hàng hóa có thể bị tăng để bù đắp chi phí.
Theo tìm hiểu, hiện nay, khoảng hơn 60% tổng DWT của vận tải biển Việt Nam đang được cho thuê định hạn hoặc khai thác tại nước ngoài. Các tàu được cho thuê định hạn phần lớn là tàu có chất lượng kỹ thuật tốt.
Một trong những doanh nghiệp đang sở hữu đội tàu container lớn nhất Việt Nam hiện nay là Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng đang có phần lớn tàu cho thuê tại nước ngoài.
Tại báo cáo thường niên năm 2024, Hải An định hướng sẽ mở thêm các tuyến Nội Á (Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Trung Đông) bằng hình thức hợp tác khai thác tuyến với các đối tác nước ngoài cũng như sử dụng công ty liên doanh.
Đặc biệt, hướng tới khai thác đội tàu hiệu quả nhất thông qua việc áp dụng linh hoạt tỉ lệ tàu được doanh nghiệp tự khai thác và cho thuê định hạn.
Theo đại diện một doanh nghiệp vận tải biển, để tận dụng được thị trường thuê định hạn cũng không đơn giản. Hoạt động thuê tàu luôn là dạng hợp đồng dài hạn theo luật cung – cầu. Các doanh nghiệp thường ký các hợp đồng cho thuê theo chu kỳ như khoảng 3 tháng, 6 tháng hoặc 2 năm, 3 năm.
Tại thời điểm giá thuê tàu lên, nếu doanh nghiệp có tàu nào đó hết hạn hợp đồng và ký hợp đồng thuê mới sẽ có thể hưởng lợi. Còn lại, các mức giá đã được quy định trong hợp đồng và thường không điều chuyển theo giá biến động của thị trường.