Đưa xe hợp đồng vào khuôn khổ

Xe hợp đồng chạy như tuyến cố định

Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, nhiều năm nay, mỗi lần về quê ở Quảng Ninh anh Trần Tuấn Hưng (ở Thanh Xuân, Hà Nội) đều chọn xe Limousine đưa đón tận nhà. Dù giá vé cao hơn, nhưng bù lại anh không phải mất thời gian đi xe ôm, taxi ra bến xe và từ bến xe về nhà.

Đưa xe hợp đồng vào khuôn khổ- Ảnh 1.

Những quy định mới được kỳ vọng sẽ ngăn chặn được các vi phạm của xe hợp đồng như gom khách, dừng đón trả khách tùy tiện, không đúng nơi quy định. Ảnh minh họa: Tạ Hải.

Không chỉ anh Hưng, loại hình xe hợp đồng trên 9 chỗ đưa đón tận nhà được nhiều người lựa chọn sử dụng, kéo theo sự gia tăng nhanh chóng về số lượng. Thống kê của Cục Đường bộ VN, hiện cả nước chỉ có hơn 17.000 xe tuyến cố định, nhưng có tới gần 240.000 xe hợp đồng.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, xe hợp đồng trên 9 chỗ nhưng lại hoạt động như tuyến cố định. Các xe này không vào bến, hoạt động tự phát, dừng đón trả khách ở bất kỳ địa điểm, tuyến phố nào. Quyền lợi của hành khách cũng không được bảo vệ khi không có bảo hiểm chuyến đi.

Ông Hùng cho rằng, nhu cầu của người dân là rất lớn, tuy nhiên phải làm sao không để nhu cầu này vượt ra khỏi quy định pháp luật. Để quản lý, có thể xem xét cho vào bến xe hoạt động và dùng xe trung chuyển đưa đón khách như xe tuyến cố định đang làm, thay vì mở văn phòng khắp nơi và đưa đón khách tại nhà như hiện nay.

Nhiều quy định mới

Để kiểm soát xe hợp đồng, ông Hùng cho rằng, cần khai thác hiệu quả và triệt để dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Trường hợp cá nhân kinh doanh vận tải không có đủ điều kiện đầu tư công nghệ hay bộ phận theo dõi ATGT có thể tham gia vào các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Theo chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình, cần xây dựng khung pháp lý để quản lý được việc đăng ký kinh doanh, thu thuế, đồng thời thu phí bến bãi đối với việc đón trả khách tại những điểm đã được quy định sẵn. Như vậy sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng đối với xe khách tuyến cố định.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, Phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN cho hay, xe hợp đồng trên 9 chỗ hoạt động như tuyến cố định, không phải chịu các chi phí như phí hai đầu bến, gây cạnh tranh không lành mạnh với xe tuyến cố định.

Hiện nhu cầu của hành khách được đưa đón tại nhà bằng hình thức xe ghép, xe đi chung rất lớn. Lựa chọn của hành khách vô tình hành tiếp tay cho vi phạm.

Để chặn xe hợp đồng trá hình, Nghị định 158/2024 hướng dẫn Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải khách hợp đồng trên 9 chỗ không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách, không được bán vé, thu tiền ngoài hợp đồng đã ký kết trước chuyến đi.

Bên cạnh đó, không được ấn định hành trình, lịch trình cố định phục vụ nhiều hành khách. Lái xe chỉ được đón trả khách theo đúng các điểm ghi trong hợp đồng; không được đón khách ngoài danh sách, không được đón trả khách tại trụ sở, văn phòng đại diện, tại 1 điểm cố định trên các tuyến phố.

Không kê khai thuế sẽ thu hồi giấy phép

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Luật Đường bộ đã cho phép xe hợp đồng dưới 9 chỗ được chở nhiều hành khách cùng một chuyến xe với cùng một hành trình.

Trong khi taxi phải đăng ký kê khai, niêm yết giá cước thì xe hợp đồng dưới 9 chỗ được thỏa thuận giá cước với khách hàng, song lại chưa có quy định để quản lý về thuế khi không kiểm soát được doanh thu.

Tới đây, rất dễ xảy ra tình trạng bùng nổ xe hợp đồng dưới 9 chỗ, các cá nhân trước đây chạy dù sẽ ra khỏi doanh nghiệp để độc lập kinh doanh. Thêm nữa, không loại trừ khả năng các doanh nghiệp đang kinh doanh xe trên 9 chỗ sẽ chuyển đổi xuống xe dưới 8 chỗ để kinh doanh.

Vì thế, các điều kiện kinh doanh phải được kiểm soát chặt chẽ bằng việc buộc doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ. Hiện đa số các doanh nghiệp xe hợp đồng đang sử dụng App (phần mềm) để đặt chỗ, bán vé nên có thể luật hóa bằng việc xe hợp đồng dưới hay trên 9 chỗ đều phải đăng ký App, đăng ký tên miền, từ đây liên thông dữ liệu đến cơ quan quản lý để kiểm soát.

Lý giải về băn khoăn này, ông Đỗ Quốc Phong cho rằng, tại Luật Đường bộ, xe hợp đồng được chia làm 2 loại là xe dưới 8 chỗ ngồi (không bao gồm người lái) và xe hợp đồng trên 9 chỗ.

Cả hai đều phải ký hợp đồng với hành khách trước mỗi chuyến đi. Xe hợp đồng dưới 9 chỗ và xe taxi đã tương đồng với về điều kiện kinh doanh. Trong khi xe hợp đồng dưới 9 chỗ được ký nhiều hợp đồng thì xe trên 9 chỗ chỉ ký một hợp đồng duy nhất và thuê cả chuyến xe.

Về nguy cơ các doanh nghiệp chuyển đổi xuống xe hợp đồng dưới 8 chỗ để được gom khách, ông Phong cho biết, Nghị định 158/2024 đã bổ sung quy định: Doanh nghiệp không kê khai thuế trong quá trình kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải cùng nhiều quy định khác.

Nghị định cũng nâng các điều kiện kinh doanh đối với xe hợp đồng trên 9 chỗ để tương đồng với xe tuyến cố định; có chính sách mở hơn về điều kiện kinh doanh với xe tuyến cố định.

Sẽ phạt nguội vi phạm

Theo ông Đỗ Quốc Phong, thực hiện Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, Cục Đường bộ VN đã bàn giao nhiệm vụ về quản lý, khai thác vận hành và tiếp nhận dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera giám sát về Cục CSGT.

Từ ngày 1/1/2025, dữ liệu từ phương tiện kinh doanh vận tải đã được truyền về Cục CSGT. Tất cả các hoạt động của phương tiện kinh doanh vận tải và hình ảnh camera lắp trên đường đều được truyền về Trung tâm chỉ huy của Cục CSGT. Từ đây sẽ phân tách lọc ra các lỗi vi phạm và phục vụ xử phạt nguội các hành vi vi phạm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *