Đã nhận tiền nhưng chưa giao đất
Một chiều giữa tháng năm, theo ghi nhận của PV, nhiều lãnh đạo, cán bộ tại Đồng Nai tiếp tục đi đến từng ngõ nhỏ, kiên trì gõ cửa tuyên truyền vận động 12 hộ còn lại sớm giao mặt bằng triển khai cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu qua huyện Long Thành (Đồng Nai).
Không khí của những buổi gặp khá thoải mái khi người dân được gặp trực tiếp lãnh đạo địa phương, chia sẻ mọi khúc mắc, mong muốn của mình.

Lãnh đạo địa phương vận động hộ gia đình bà Lương Thị Minh (áo đỏ xanh) giao đất làm cao tốc.
Trước căn nhà cấp bốn của gia đình bà Lương Thị Minh (xã Long Đức, huyện Long Thành) lực lượng chức năng tiếp tục lắng nghe những chia sẻ của bà Minh cũng như giải thích cặn kẽ về quy định trong việc cấp tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi đất làm dự án.
Hộ gia đình của bà Minh thuộc diện không được cấp đất tái định cư, chỉ hỗ trợ mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên bà lại mong muốn có suất tái định cư ngay tại địa phương để an cư, không muốn rời xa khỏi nơi từng gắn bó nên chưa chịu giao đất làm dự án.
Đối với trường hợp này lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cùng cán bộ địa phương sẽ tiếp tục vận động thêm với mong muốn nhận được sự đồng thuận.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành cùng vận động tuyên truyền người dân di dời để đảm bảo tiến độ dự án.
Cách đó không xa, trong căn nhà lợp tôn đã ngả màu, ông Đỗ Viết Ninh cũng đang rầu rĩ về câu chuyện đi hay ở.
Ông Ninh cho biết, gia đình ông đã nhận tiền đền bù nhưng chưa rời đi vì không thuộc diện cấp đất tái định cư nên chưa biết đi đâu về đâu.
“Tôi đã nhận tiền nhưng chỉ mong có một miếng đất cắm dùi, dù nhỏ thôi cũng được vì đã ở đây rất lâu”, ông Ninh nói.
Hộ gia đình ông Ninh cũng là một trong những gia đình xây nhà trên đất nông nghiệp từ trước năm 2014, không đủ điều kiện tái định cư nhưng vẫn được tỉnh Đồng Nai linh động hỗ trợ ưu tiên mua ở xã hội.
Tuy nhiên gia đình ông lại mong muốn có đất để làm nhà tại khu tái định cư gần thửa đất cũ nên mãi chưa chịu di dời.
Ở ấp bên cạnh, ông Vũ Văn Châm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Mua đất từ năm 2005, dựng nhà cuối 2006, ông Châm vẫn giữ đầy đủ hợp đồng điện nước, đóng thuế, giấy phép xây dựng tạm.

Một đoạn dự án qua xã Long Đức huyện Long Thành, Đồng Nai đang trong quá trình thi công.
“Tôi đã đưa vợ con đi thuê trọ từ tháng trước, sẵn sàng nhường đất ngay trong 24 tiếng nếu được cấp đất tái định cư, chỉ xin có chỗ ở ổn định.
Còn thực tế được mua nhà ở xã hội nhưng tại Đồng Nai hiện nhà ở xã hội đang khan hiếm và cũng chưa biết ra sao. Tôi chỉ mong có thể đổi đất lấy đất, không cần ưu tiên gì cả, chỉ mong công bằng”, ông Châm bộc bạch.
Tăng vận động để không phải cưỡng chế
Trước đó dọc tuyến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu cũng có hàng chục hộ dân khác cũng lưỡng lự rời đi vì tiếc nơi đã gắn bó mấy chục năm qua. Nhưng cuối cùng sau khi được cán bộ giải thích cũng đã tự nguyện nhường đất làm dự án.
Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đang bước vào những chặng cuối khi chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ đến hạn về đích. Hiện cao tốc qua Đồng Nai sản lượng hai đoạn đang đạt từ trên 30 đến trên 45%.
Mặt bằng hiện cơ bản đáp ứng việc thi công và chỉ còn những hộ cuối cùng do đó địa phương cũng rốt ráo triển khai nhanh để đảm bảo tiến độ dự án.
Theo lãnh đạo huyện Long Thành, tình cảnh chung của các hộ dân là đều mua đất bằng giấy tay, chưa sang tên, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Theo luật hiện hành, những trường hợp này không đủ điều kiện cấp đất tái định cư. Thế nhưng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để xem xét, hỗ trợ bà con ưu tiên mua nhà ở xã hội.

Ông Dương Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (thứ hai từ phải sang) trực tiếp xuống hiện trường vận động bà con.
Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, thời gian qua đã rà soát từng trường hợp, tuyên truyền vận động người dân nhiều lần.
Đối với các hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp, lãnh đạo cùng cán bộ huyện cũng giải thích rõ về quy định của pháp luật là không thể cấp đất tái định cư.
Đặc biệt huyện cũng ưu tiên tối đa cho người dân tiếp cận chính sách mua nhà ở xã hội, với nhiều gói hỗ trợ linh hoạt, tạo điều kiện để họ sớm an cư.
Theo ông Thân, những cuộc vận động diễn ra nhẹ nhàng, lãnh đạo huyện, cán bộ cùng người dân cũng hiểu, trăn trở nhưng tất cả phải thực hiện theo quy định pháp luật.
Anh em chấp nhận tăng ca, xuyên tuần xuyên lễ có lúc ăn vội hộp cơm hay gói mì để tiếp tục công việc. Có người dân dù bức xúc nhưng vẫn mở cửa đón tiếp, không cãi vã.

Địa phương cắt cử thanh niên hỗ trợ người dân di dời đồ đạc để giao đất làm cao tốc.
“Từ tỉnh tới xã đã nhiều lần đối thoại, xuống tận nhà hoặc mời từng hộ lên làm việc, giải thích đến nơi đến chốn.
Mặc dù có nhiều hộ chúng tôi đã tống đạt quyết định cưỡng chế nhưng vẫn tiếp tục vận động để bà con hiểu và mong sự đồng thuận, tự nguyện giao đất đến phút cuối.
Tuy nhiên sau khoảng 2 lần vận động nữa nếu các hộ dân vẫn không chịu thì có thể phải triển khai cưỡng chế trước 16/5 để giao đất”, ông Trần Văn Thân, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng tại Đồng Nai đang tuyên truyền vận động người dân Long Thành giao đất.
Ông Dương Minh Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, hơn một tháng qua ông đã về bám trụ tại huyện Long Thành để cùng với địa phương trực tiếp tới từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân giao đất làm cao tốc.

Trước đó nhiều hộ dân sau khi được tuyên truyền, hiểu ra quy định nên cũng đã giao đất để rời đi nhường mặt bằng cho dự án cao tốc.
Nhờ bám sát địa bàn nên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã đề nghị huyện Long Thành quan tâm giải quyết các kiến nghị, áp dụng chính sách tốt nhất, đảm bảo quy định pháp luật cho người dân.
Đồng thời cũng chia sẻ với những khó khăn của bà con cũng như mong muốn bà con sớm di dời để phục vụ dự án trọng điểm.

Công nhân tăng tốc thi công đêm tại khu vực qua địa bàn xã Long Đức, huyện Long Thành, Đồng Nai để đẩy nhanh sản lượng cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Thời gian qua địa phương tập trung tuyên truyền vận động, song song đó cũng ra quyết định cưỡng chế.
Chúng tôi vẫn tiếp tục gặp bà con với mong muốn nhận được sự chia sẻ từ người dân và cũng không muốn phải đi đến bước cưỡng chế vì cũng biết hoàn cảnh của người dân.
“Địa phương đã cố gắng hỗ trợ các hộ không có tái định cư bằng nhà ở xã hội, đảm bảo ai cũng an cư, không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Dũng nói.
Cụ thể, khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai năm 2013 quy định chỉ những hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở hợp pháp, có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và không còn chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường nơi có đất bị thu hồi thì mới được bố trí tái định cư.
Những trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, không có giấy tờ hợp lệ, sẽ không được bố trí tái định cư nhưng có thể được hỗ trợ hoặc xét mua nhà ở xã hội theo chính sách hiện hành.