Cơ hội lớn
Ngày 19/2, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng với tổng chiều dài gần 400 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố, tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD.
Với định hướng sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác dự án được lên kế hoạch hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Các dự án đường bộ quy mô lớn triển khai trong thời gian qua được đánh giá là “thao trường” để doanh nghiệp giao thông Việt nâng cao năng lực, trình độ, đủ sức đảm đương các dự án đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật phức tạp hơn trong lĩnh vực đường sắt.
Là một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư – thi công – quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) đánh giá, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được phê duyệt chủ trương đầu tư mở ra cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp trong nước bắt đầu tham gia vào lĩnh vực đường sắt.
“Sau tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, giai đoạn sắp tới sẽ là dự án đường sắt tốc độ cao trên trụcBắc – Nam; dự án đường sắt đô thị…
Sau năm 2025, khi dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam hoàn thành, các nhà thầu Việt sẽ tích lũy được nguồn lực vững chắc về máy móc, thiết bị và đội ngũ nhân sự dày dạn kinh nghiệm thực tiễn, luôn sẵn sàng cho những nhiệm vụ tiếp theo. Đây là lợi thế lớn để doanh nghiệp trong nước tự tin tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng sắp tới, đặc biệt là các dự án đường sắt”, ông Huy nhận định.
Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam nhấn mạnh: Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ đưa đến một cơ hội rất lớn cho nền kinh tế của Việt Nam.
“Về phần xây dựng, năng lực nhà thầu trong nước đã làm được đường, móng, trụ, hầm đường bộ nhưng chúng ta còn thiếu kinh nghiệm về tính toán tác động của đoàn tàu cao tốc chạy trên hạ tầng đó. Dự án được đầu tư sẽ là cơ hội để người Việt Nam tiếp cận và tiến tới làm chủ công nghệ hiện đại”, ông Chủng nói.
Chủ động nguồn lực tiếp cận công nghệ mới
Đánh giá các dự án đường sắt, đặc biệt là dự án đường sắt tốc độ cao có tính chất đặc thù phức tạp, Tổng giám đốc HHV Nguyễn Quang Huy cho rằng, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp giao thông Việt Nam là phải sớm huy động nguồn lực và ứng dụng công nghệ cao.
Riêng HHV, theo ông Huy, tính đến nay, đơn vị đã đầu tư, xây dựng hoàn thành hơn 472km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 31km hầm đường bộ. Trong đó, có hầm Hải Vân 2 dài gần 6,3km là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á đến thời điểm này.
“Về đội ngũ nhân sự, trong toàn hệ thống Đèo Cả hiện có hơn 8.000 lao động, phần lớn là đội ngũ giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu dài và đã tham gia nhiều dự án trọng điểm. Đơn vị cũng không ngừng đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu thi công đồng loạt nhiều dự án”, ông Huy nói.
Là doanh nghiệp tiên phong trong việc đón đầu các dự án đường sắt, ông Nguyễn Quang Huy cho biết, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của HHV nói riêng và Tập đoàn Đèo Cả nói chung trong giai đoạn 5 – 10 năm tới.
“Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học trong nước, thành lập Viện đào tạo nghiên cứu và triển khai chương trình đào tạo chuyên sâu về xây dựng đường sắt – metro.
Chúng tôi cũng tổ chức các chương trình nghiên cứu, khảo sát thực tiễn tại các nước có nền đường sắt phát triển như: Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản để tham khảo và lựa chọn công nghệ, mô hình phù hợp với định hướng của Chính phủ và điều kiện triển khai tại Việt Nam.
Hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh để chuyển giao công nghệ, quản lý vận hành và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến; Công tác chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ hiện đại (hệ thống giao thông thông minh – ITS, mô hình thông tin công trình – BIM…) cũng được Đèo Cả tập trung nghiên cứu phát triển nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai dự án”, ông Huy thông tin.