Nhiều việc cần làm ngay
Chiều 12/12, tại họp giao ban triển khai nhiệm vụ tháng 12, báo cáo Bộ trưởng về công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, để khởi công trong năm 2027, Ban QLDA Đường sắt cần sớm triển khai dự thảo nghị quyết để triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó, xác định cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ ngay trong tháng 12/2024.
Cũng theo ông Thìn, các cơ quan, đơn vị liên quan cần sớm lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở tiến hành các bước tiếp theo.
Với dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ USD, ông Thìn cho biết, thời gian khởi công được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện trong năm 2025.
Theo ông Thìn, đây là áp lực rất lớn. Thông thường, thời gian chuẩn bị đầu tư dự án khoảng 3-4 năm. Để đáp ứng tiến độ này, có 7 hạng mục công việc cần hoàn thành: Lập và phê duyệt đề xuất dự án; lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo khả thi; đàm phán và ký hiệp định vay; phê duyệt thiết kế kỹ thuật; giải phóng mặt bằng…
Về lộ trình triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư, Ban QLDA Đường sắt cần hoàn thành, trình Bộ GTVT đề xuất dự án trước ngày 18/12/2024. Vụ KH-ĐT tham mưu gửi Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính trước ngày 25/12/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 1/2025.
Trong tháng 12/2024, Ban QLDA Đường sắt cần trình Bộ GTVT hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để lấy ý kiến, hoàn chỉnh trước 15/1/2025.
Vụ KH-ĐT sẽ tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước ngày 31/1/2025; hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội trước ngày 31/3/2025 và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5/2025.
Cục Đường sắt VN phối hợp Ban QLDA Đường sắt hoàn thiện hồ sơ đề án chủ trương đầu tư gửi Bộ GTVT trong tháng 12/2024 để lấy ý kiến các cơ quan liên quan; phấn đấu báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 3/2025.
Nghiên cứu tăng nguồn lực cho ban QLDA
Chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh nhấn mạnh, dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng phải phấn đấu khởi công trong năm 2025 theo đúng chỉ đạo.
Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng phụ trách chỉ đạo đơn vị làm rõ các nội dung liên quan đến công tác đầu tư dự án, làm cơ sở lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác, thúc đẩy tiến trình triển khai.
“Với dự án đường sắt tốc độ cao, bên cạnh sớm hoàn thiện các thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo khả thi, cần nghiên cứu tăng cường nguồn lực, năng lực cho đơn vị quản lý dự án. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình, cần tham khảo kinh nghiệm, học hỏi các nước phát triển về cách thức quản lý, tổ chức triển khai. Có thể nghiên cứu lập ban tổng công trình sư hoặc lựa chọn kỹ sư trưởng/kiến trúc sư trưởng”, Bộ trưởng gợi ý.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư chỉ bằng khoảng 1/8 dự án đường sắt tốc độ cao nhưng đã cần đến 7 ban quản lý dự án tham gia.
Với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, yêu cầu kỹ thuật, tính đồng bộ cao, khối lượng công việc rất lớn, biên chế tại các ban quản lý dự án hiện nay khó đáp ứng. Vì thế, cần sớm có giải pháp phù hợp để tăng cường nguồn lực.
Huy động lực lượng tư vấn trong nước
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao, Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai, dự án dự kiến sẽ tiếp tục triển khai theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và thiết kế tổng thể kỹ thuật phục vụ cho lập hồ sơ mời thầu Tổng thầu EPC (FEED) với các nhiệm vụ: Xây dựng các nhiệm vụ để lựa chọn Tư vấn quản lý dự án, Tư vấn lập FS và thiết kế FEED; Mời thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn; Triển khai công tác khảo sát, lập FS và thiết kế FEED; Thẩm tra, thẩm định, phê duyệt FS và thiết kế FEED và chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC. Giai đoạn này thực hiện trong thời gian 2025-2027.
Giai đoạn 2 là thi công, mua sắm thiết bị (từ năm 2027-2035), gồm các nhiệm vụ: Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC; đàm phán, ký hợp đồng và triển khai thi công; thi công xây dựng; mua sắm phương tiện, thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.
Giai đoạn 3 là vận hành thử và khai thác thương mại (năm 2036) với các nhiệm vụ: Vận hành thử nghiệm; đánh giá an toàn hệ thống và vận hành thương mại.
Để dự án được triển khai đúng lộ trình, dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành năm 2035, một cơ chế đặc thù rất quan trọng đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua là chủ đầu tư được lập thiết kế FEED thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Cơ chế này sẽ góp phần rút ngắn tiến độ khoảng 1 năm so với thực hiện theo quy trình thông thường.
Đánh giá thách thức của giai đoạn 1 là việc huy động lực lượng tư vấn tập trung khảo sát, điều tra, nghiên cứu để làm rõ những thông số cơ bản của dự án, lãnh đạo TEDI lưu ý, nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào lực lượng tư vấn nước ngoài, thời điểm bắt đầu công việc sẽ có độ trễ nhất định.
“Với một số hạng mục công việc nêu trên, lực lượng tư vấn trong nước hoàn toàn có thể đảm đương nên cần xem xét tách hạng mục công việc phù hợp để huy động tư vấn trong nước triển khai sớm”, lãnh đạo TEDI nêu ý kiến.
Tập trung hoàn thành 3.000km cao tốc, sân bay Long Thành
Chiều 12/12, Bộ trưởng Trần Hồng Minh có phiên chủ trì giao ban đầu tiên tại Bộ GTVT. Sau khi nghe 4 thứ trưởng báo cáo các công việc trọng tâm, cần ưu tiên xử lý và 4 báo cáo chuyên đề về tinh gọn bộ máy, vận tải Tết, tiến độ các dự án, công tác chuẩn bị đầu tư hai dự án đường sắt, Bộ trưởng đã có các chỉ đạo cụ thể.
Chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, lãnh đạo Bộ và các cục quản lý chuyên ngành phải “xắn tay” cùng chủ đầu tư, nhà thầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn thời gian gia tải nền đất yếu tại dự án đoạn Cần Thơ – Cà Mau. Việc rút ngắn tiến độ phải đi đôi với bảo đảm chất lượng; Gỡ vướng mắc mặt bằng ở một số dự án như: Biên Hòa – Vũng Tàu, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.
Riêng đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, đánh giá tiến độ dự án thành phần 3 và dự án thành phần 4 chưa đáp ứng yêu cầu, Bộ trưởng đề nghị nghiên cứu lập tổ công tác, phối hợp tháo gỡ các khó khăn.
Đồng chí Thứ trưởng phụ trách phải thường xuyên vào kiểm tra, đôn đốc tiến độ với tinh thần: Việc gì có thể giải quyết được ở hiện trường là giải quyết ngay, phấn đấu hoàn thành đồng bộ dự án trước 31/12/2025.