Hai dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng (Lạng Sơn) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) được kỳ vọng sẽ tạo ra một mạng lưới cao tốc đối ngoại huyết mạch, kết nối giao thương quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế – xã hội và tăng cường an ninh quốc phòng của vùng địa đầu Đông Bắc.

Thi công cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh.
Thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc và kết nối thông suốt từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025, việc đẩy nhanh công tác GPMB phục vụ hoạt động thi công các dự án đang trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với các chính quyền cơ sở.
Tại dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, ngay sau lễ khởi công (1/1/2024), UBND hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã liên tục phát động các đợt thi đua cao điểm tuyên truyền, vận động người dân.
Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án (DNDA) cũng tích cực phối hợp, ứng kinh phí để sớm có mặt bằng phục vụ thi công.
Gần đây nhất, trong cuộc họp Ban chỉ đạo dự án ngày 5/2, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc, trong đó có vướng mắc về vấn đề GPMB, theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ là “không để nhà thầu cô đơn trên công trường”.
Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cũng kêu gọi quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính quyền địa phương nhằm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ trong quý I/2025.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, tính đến nay, diện tích mặt bằng đã được bàn giao cho nhà thầu đạt hơn 576ha, tương đương gần 91%.
Trên phạm vi thi công, vướng mắc liên quan đến đất ở và hạ tầng kỹ thuật vẫn còn tồn tại. Quá trình lập thiết kế kỹ thuật, một số đoạn tuyến được điều chỉnh theo địa hình thực tế và nguyện vọng của người dân dẫn đến phải cập nhật lại phạm vi GPMB.
“Tại Cao Bằng, 3 khu tái định cư vẫn đang trong quá trình triển khai, ảnh hưởng đến tiến độ cho các hộ dân trong diện thu hồi đất.
Việc điều chỉnh ranh giới GPMB so với hồ sơ nghiên cứu khả thi cũng khiến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mất nhiều thời gian hơn”, đại diện doanh nghiệp dự án thông tin.
Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, dù thời gian không còn nhiều nhưng các huyện trên địa bàn sẽ nỗ lực hoàn tất khâu giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích phát sinh thêm do điều chỉnh hồ sơ trong quý I năm nay.

Dù nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ địa phương, song, mặt bằng thi công cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Tại dự án Hữu Nghị – Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng hơn 47/61km, tương đương hơn 76% diện tích mặt bằng.
Tuy nhiên, mặt bằng thi công cũng còn “xôi đỗ”, xen kẹt với phần đất đã chi trả từ năm 2018. Diện tích có thể tiếp cận thi công mới đạt hơn 68%. Khối lượng hạ tầng kỹ thuật cần di dời vẫn còn lớn.
Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, công tác giải phóng mặt bằng theo quy trình thông thường có thể kéo dài từ 5 – 6 tháng. Song, với sự quyết tâm cao, địa phương đặt mục tiêu hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong quý I/2025.
“Bảo đảm chỗ ở cho 406 hộ dân bị ảnh hưởng nơi dự án đi qua, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đang đẩy nhanh phê duyệt và lựa chọn nhà thầu xây dựng các khu tái định cư, xem xét phương án tái định cư tại chỗ cho những hộ đủ điều kiện.
Di dời hạ tầng kỹ thuật được xác định là một trong những nút thắt lớn nhất hiện nay, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh, công ty điện lực, doanh nghiệp viễn thông và nhà thầu thi công để tránh ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Theo kế hoạch, trong quý I/2025, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường điện, viễn thông, thông tin tín hiệu sẽ được hoàn thành di dời”, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Khẳng định công tác vận động người dân đồng thuận với phương án bồi thường, hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết công tác chi trả tiền bồi thường đang được chính quyền đẩy nhanh bên cạnh việc rà soát, bổ sung chỉ tiêu đất giao thông vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo tiến độ GPMB không bị gián đoạn.
Tại huyện Văn Lãng, nơi cả hai dự án cao tốc trọng điểm đi qua, nhận diện khối lượng công việc trước mắt rất lớn, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp dự án cũng tăng tốc phối hợp kiểm đếm, xác minh và lập phương án giải phóng mặt bằng.
“Chúng tôi đang huy động toàn bộ lực lượng cán bộ tham gia kiểm đếm, đo đạc để đẩy nhanh tiến độ và triển khai chi trả bồi thường cho người dân sớm nhất có thể, đáp ứng mục tiêu bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý I/2025”, ông Nguyễn Văn Trường, Bí thư huyện Văn Lãng, chia sẻ.