Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ vẫn chờ cát để tăng tốc thi công

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ được thi công bởi liên danh các nhà thầu. Dự án khởi công ngày 10/4/2024 với tổng giá trị hợp đồng xây lắp 819,84 tỷ (bao gồm dự phòng).

Tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ vẫn chờ cát để tăng tốc thi công- Ảnh 1.

Nhà thầu đã tăng cường nhân lực và máy móc thiết bị về công trường thi công tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ.

Đến nay, tiến độ thực hiện dự án đạt 126,32/728,5 tỷ đồng, tương đương 17,34% giá trị hợp đồng.

Trên công trường, các nhà thầu đang triển khai 31 mũi thi công, trong đó có 24 mũi cầu (22 mũi cầu đường gom, 2 mũi cầu vượt, nút giao Lộ Tẻ) và 7 mũi thi công đường.

Ngoài ra, nhà thầu cũng đã tăng cường máy móc, thiết bị để tổ chức thi công.

Cụ thể, trên công trường hiện có gần 90 máy móc, thiết bị chuyên dùng, trong đó có 12 máy đào, 2 máy ủi, 6 máy lu, 8 máy đóng cọc, 2 máy ép cọc và các loại máy khác phục vụ thi công bên tông nhựa.

Tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ vẫn chờ cát để tăng tốc thi công- Ảnh 2.

Công nhân trên công trường tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ đang tất bật thi công.

Anh Nguyễn Quang Nguyên – Phó chỉ huy trưởng công trình, Công ty cổ phần Cầu 7 Thăng Long (nhà thầu thi công) cho biết, tại dự án thi công tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ, nhà thầu phụ trách thi công 23 cây cầu, trong đó, cây cầu dài nhất là cầu Đất Sét với 9 nhịp.

Trên công trường, nhà thầu bố trí 8 mũi thi công, với số lượng máy móc, thiết bị đã tăng thêm 40% và số lượng công nhân cũng đã tăng thêm 80 người. Đồng thời, nhà thầu cũng tổ chức cho công nhân thi công 3 ca liên tục, thời gian bắt đầu từ 6h30 đến 21h hàng ngày.

“Với phương thức tổ chức thi công như hiện tại, dự kiến trước tết Nguyên đán 2025, nhà thầu sẽ lao lắp xong dầm cầu Kênh Ông Hành, cầu Tân Bình, cầu Đất Sét và cầu Thầy Lâm”, anh Nguyên cho biết thêm.

Cũng theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ có tổng nhu cầu cát đắp khoảng 0,53 triệu m3. Hiện nay, các đơn vị liên quan đã đệ trình hồ sơ trữ lượng và đã trình hồ sơ đánh giá tác động môi trường cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Tháp.

Cấp thẩm quyền của tỉnh cũng đã họp ngày 8/11 thông qua chủ trương giới thiệu mỏ cát mới này cho nhà thầu thi công dự án. Ngày 14/11, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản giới thiệu mỏ cát Thường Thới Tiền cho dự án.

Sở TN&MT tỉnh cũng đã có tờ trình UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản. Ngày 22/11 đã họp Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường (2.880m3/ngày).

Ông Nguyễn Văn Khang – Giám đốc chi nhánh Đồng Tháp (Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn) cho biết, mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp cấp do công ty trực tiếp khai thác, phục vụ thi công tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ.

Đến nay, công ty đã cơ bản hoàn thành các hồ sơ, thủ tục theo quy định và dự kiến ngày 25/12 sẽ bắt đầu khai thác để cấp về công trường sau thời gian nhà thầu thực hiện dự án chờ cát về để tăng tốc thi công.

Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ có điểm đầu tại tại nút giao An Bình, thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (khoảng Km 26+00 theo lý trình quốc lộ N2B) và điểm cuối kết nối với tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, thuộc địa phận thành phố Cần Thơ (khoảng Km 54+844 theo lý trình quốc lộ N2B).
Quy mô đầu tư gồm thảm bê tông nhựa mặt đường tuyến chính và xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến, bố trí hệ thống hàng rào và hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 28,8km, với tổng mức đầu tư khoảng 950 tỷ đồng, được triển khai thi công từ cuối tháng 4/2024 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào ngày 31/12/2025.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *