Biết khách vội, vẫn phải chờ
2h45 sáng 13/12 tại văn phòng nhà xe Vân Anh ở bến xe phía Bắc TP Thanh Hoá, rất đông hành khách đã mua vé đang ngồi chờ đến giờ lên xe. Nhân viên bán vé cho biết, trong 2 chuyến xe đầu ngày của nhà xe này lúc 3h và 4h sáng luôn kín hành khách, đa số khách là người dân đi khám bệnh hoặc đi học tại Hà Nội nên lựa chọn đi sớm để kịp giờ.
Anh Vũ Viết Đức (trú tại TP Thanh Hoá) cho biết, anh đưa bố đi khám bệnh tại Bệnh viện 108 (Hà Nội), đã đặt lịch hẹn với bác sĩ lúc 7h30 nhưng do bận việc nên hôm trước không kịp đặt vé chuyến 3h. Sáng nay, anh ra bến sớm để xem có hành khách nào đặt chuyến 3h nhưng không vội, có thể đổi vé cho trước nhưng không có.
“Tôi nghe nói chuyến 4h của nhà xe cũng đã đầy khách, nếu mà xe được đi luôn thì tốt quá, hành khách không phải chờ đợi lâu”, anh Đức nói.
Theo quy định hiện hành, nếu không phải ngày cao điểm lễ, Tết hay dịp cuối tuần, nhu cầu hành khách lớn cần phải giải toả sớm, các chuyến xe trong ngày của mỗi doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đều phải xuất bến đúng theo lốt giờ được cấp phép, bất kể chuyến xe đó đã đủ khách hay chưa.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Vân Anh cho biết, đa số các chuyến xe sớm trong ngày thường của đơn vị luôn kín khách có nhu cầu ra Hà Nội sớm. Nhiều hành khách đặt vé chậm, chuyến 3h sáng hết chỗ nên phải đợi 1 tiếng nữa mới có thể đi chuyến kế tiếp.
“Biết là khách vội nhưng bến xe không cấp lệnh xuất bến sớm và đơn vị vận tải cũng không thể làm trái quy định”, ông Dũng nói.
Cả nhà xe và hành khách đều có lợi
Tương tự, ở các tuyến du lịch như Hà Nội – Sa Pa vào dịp tối thứ 6 hàng tuần, dù rất đông hành khách đặt vé, thậm chí nhiều chuyến đã đủ khách nhưng các nhà xe như Sao Việt vẫn phải tuân thủ quy định đúng giờ xuất bến.
Tuy nhiên, với việc Thông tư số 36/2024 của Bộ GTVT có hiệu lực từ 1/1/2025, tới đây tình trạng trên sẽ chấm dứt. Quy định mới cho phép hai chuyến xe có giờ xuất bến liền kề trên cùng một tuyến của cùng một doanh nghiệp vận tải được phép xuất phát cùng lúc nếu đủ khách.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng (nhà xe Vân Anh), quy định mới vừa tạo thuận lợi cho hành khách khi không phải chờ đợi lâu, vừa giúp doanh nghiệp giải toả hành khách sớm và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho rằng, quy định trên phù hợp với thực tế. Bởi với các chuyến xe đã bán hết vé, hành khách có nhu cầu đi sớm, không nhất thiết phải chờ đến đúng giờ xuất bến theo quy định.
“Quy định mới đã tạo sự cởi mở hơn cho tuyến cố định, từ đó gia tăng sự cạnh tranh với xe hợp đồng, đặc biệt là các xe hợp đồng trá hình tuyến cố định đang chủ động trong giờ đi, lịch trình, hành trình di chuyển”, ông Bằng nhìn nhận.
Không thay đổi tổng số chuyến đi trong ngày
Lãnh đạo Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, theo quy định mới, hai chuyến xe liền kề trên cùng một tuyến của cùng một doanh nghiệp nếu bán hết vé mới được xuất phát cùng lúc vào giờ của chuyến trước; nếu là xe của hai doanh nghiệp khác nhau thì không được phép.
Điều này nhằm tránh tình trạng hai xe của hai đơn vị vận tải khác nhau cùng xuất phát một lúc, đi trên đường có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh giờ đến bến đối lưu, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông.
Mặt khác, khi hai chuyến liền nhau của một doanh nghiệp đã đủ khách và xuất bến vào giờ của chuyến trước thì giờ xuất bến của chuyến sau, doanh nghiệp đó không được cho xe xuất bến nữa.
Ví dụ, một doanh nghiệp có các giờ xuất bến lúc 3h, 4h, 5h; nếu 2 chuyến liền kề lúc 3h và 4h đủ khách cùng xuất phát lúc 3h thì đến 4h, doanh nghiệp này không được cho bất kỳ xe nào xuất bến, phải chờ đến 5h mới được xuất bến chuyến tiếp theo. Như vậy, đơn vị vận tải vẫn phải tuân thủ quy định tổng số chuyến trong ngày được cấp phép hoạt động.
Việc này cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải khác trên cùng tuyến có giờ xuất bến nằm giữa khung giờ từ 3-5h có điều kiện gom khách trong khoảng thời gian này.
Quản chặt để tránh lách luật
Một chuyên gia giao thông cho biết, quy định trên là phù hợp với xu hướng vận tải hiện nay, lấy hành khách làm trung tâm phục vụ. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, bến xe và lực lượng chức năng cần giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, khi xe chưa đủ khách vẫn xuất bến, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp khác cùng tuyến.
Trong đó, trước khi cấp lệnh xuất bến cho xe rời bến vào cùng giờ xuất phát của chuyến xe trước, nhân viên bến xe cần phối hợp với nhân viên nhà xe kiểm đếm hành khách, xác nhận đủ đầy khách trên cả hai chuyến mới cho xuất bến.
Trường hợp xe lưu thông trên đường, lực lượng CSGT nếu phát hiện xe được xuất bến sớm vì đủ khách nhưng hành khách trên xe không đủ cũng cần xử phạt nghiêm để đảm bảo tính răn đe.