Tiến độ ì ạch vì vướng mặt bằng
Những ngày qua, trên công trường dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi, tại các vị trí đã bàn giao mặt bằng sạch, nhà thầu đã bố trí nhân lực, thiết bị để thi công. Tuy nhiên, dọc tuyến vẫn khá vắng lặng, không có dấu hiệu rõ ràng của việc đẩy nhanh tiến độ.
Tại khu vực xã Tịnh An (TP Quảng Ngãi), nơi diễn ra lễ khởi công, không khí thi công trầm lắng, chỉ lác đác vài công nhân và thiết bị máy móc “án binh bất động”. Đoạn tiếp giáp QL24B, công nhân làm việc cầm chừng vì công địa quá hẹp.
Dọc tuyến chính qua các địa phương TP Quảng Ngãi, Sơn Tịnh và Bình Sơn, công tác thi công đang bị ảnh hưởng do vướng giải phóng mặt bằng. Người dân sống trong hành lang dự án cho biết, đã được thông tin về việc di dời đến khu tái định cư, nhưng quá trình kiểm đếm, lập phương án bồi thường vẫn chậm trễ.
Điểm sôi động nhất của dự án là đoạn qua sông Châu Ổ (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn). Nhà thầu Khang Nguyên bố trí nhiều thiết bị máy móc, con người để tổ chức thi công cầu và đường dẫn.
“Do công địa thi công hạn chế, chúng tôi tập trung làm các hạng mục cầu và một số đoạn đã có mặt bằng sạch. Mong rằng chủ đầu tư sớm bàn giao thêm mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ”, đại diện nhà thầu chia sẻ.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi, đến nay tiến độ dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi mới giải ngân được 135 tỷ đồng trên tổng giá trị gói thầu xây lắp 2.322 tỷ đồng, tương đương 6% giá trị hợp đồng.
Đại diện chủ đầu tư cho rằng, tiến độ dự án chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó điểm vướng lớn nhất liên quan đến khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đến nay, các địa phương mới bàn giao được hơn 32/164ha mặt bằng, đạt gần 20% tổng diện tích mặt bằng cần thu hồi để thi công dự án. Trong đó, huyện Bình Sơn bàn giao 20,82/105,59 ha; huyện Sơn Tịnh bàn giao 0,5/15,89 ha và TP Quảng Ngãi bàn giao 10,89/43,04 ha.
Rốt ráo gỡ vướng đẩy nhanh tiến độ
Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra hiện trường, làm việc với chủ đầu tư và các địa phương để tháo gỡ khó khăn.
Tại các cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ ra điểm vướng chính là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân do Luật Đất đai năm 2024 vừa ban hành, các địa phương chưa hoàn thành công tác phê duyệt giá đất cụ thể.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi cho hay, để đảm bảo tiến độ dự án, các địa phương có dự án đi qua khẩn trương phê duyệt giá đất cụ thể theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, để làm cơ sở cho việc phê duyệt phương án bồi thường, di dời dân và tái định cư để có mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công.
Về mỏ vật liệu, trong số 9 mỏ cát quy hoạch, đến nay mới có 3 mỏ được cấp phép thăm dò, còn lại 6 mỏ chưa hoàn tất thủ tục. Trong 9 bãi đổ thải, mới có 6 bãi được chấp thuận nhưng chỉ 1 bãi đủ điều kiện sử dụng.
Để gỡ các vướng mắc, ông Ngô Văn Dụng, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Ngãi đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thi công, hỗ trợ các đơn vị thi công sớm hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ cát.
Đồng thời, các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn và TP Quảng Ngãi cần đẩy nhanh phê duyệt giá đất cụ thể và giải quyết dứt điểm vướng mắc liên quan đến khu tái định cư.
Theo ông Đặng Ngọc Huy, Trưởng ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ngãi, để đảm bảo tiến độ, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp, rà soát và xử lý vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, ưu tiên hoàn thành bồi thường đất nông nghiệp trước để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án.
Tại buổi làm việc mới đây với chủ đầu tư, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn nhấn mạnh: Việc giải quyết các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách hiện nay.
Trên tinh thần vượt khó, chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm hoàn thành các dự án đúng tiến độ để đưa vào sử chi phục vụ đời sống dân sinh, phát huy hiệu quả vốn ngân sách, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo tháo gỡ.