Quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125km, đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Định (khoảng 40km) và Gia Lai (khoảng 85km).

Tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được đề xuất xây dựng quy mô 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp (Ảnh minh hoạ).
Quy mô tuyến gồm 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Với phương án trên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 43.734 tỷ đồng đề xuất sử dụng nguồn vốn ngân sách từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024, nguồn ngân sách trung ương và địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030.
Nếu được Quốc hội thông qua, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku dự kiến sẽ được thực hiện từ năm 2025, hoàn thành năm 2029.
Tổng diện tích đất chiếm dụng phục vụ triển khai dự án sơ bộ khoảng hơn 940ha, gồm: gần 190ha đất trồng lúa, hơn 257ha đất lâm, nghiệp, gần 500ha các loại đất khác theo quy định của pháp luật đất đai.
Nhằm tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, dự án dự kiến được chia thành 2 dự án thành phần: đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Bình Định (dự án thành phần 1) do UBND tỉnh Bình Định làm cơ quan chủ quản; Đoạn tuyến nằm trên địa phận tỉnh Gia Lai (dự án thành phần 2) do UBND tỉnh Gia Lai làm cơ quan chủ quản.
Xác định đây là dự án có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tâu Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp, cần phải áp dụng một số chính sách đặc thù, đặc biệt để thực hiện thành công, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng 9 cơ chế, chính sách.
Trong số đó, có 3 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường bộ cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột, 5 chính sách đã áp dụng cho dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và 1 chính sách đã được áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Hình thành trục ngang, kết nối trục dọc thu hút đầu tư
Đề cập tới tính cấp thiết trong đầu tư dự án, tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Vùng Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế do có tài nguyên phong phú, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời và nền văn hoá đa dạng, giàu bản sắc.
Vùng cũng có lợi thế trong giao thương và trung chuyển hàng hoá giữa các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia với vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Tỉnh Bình Định là trung tâm kinh tế, chính trị lớn trong khu vực Nam Trung Bộ, có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế biển, du lịch, giao thương quốc tế. Hiện, tỉnh đang tập trung phát triển mạnh Khu kinh tế Nhơn Hội là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch và đô thị sinh thái.
Những năm qua, hệ thống giao thông kết nối khu vực tỉnh Gia Lai, Kon Tum với Bình Định và các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ chủ yếu bằng đường bộ, thông qua các tuyến quốc lộ: 19, 24 và 25, chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa thu hút được nhà đầu tư do thời gian và chi phí vận tải còn cao.
Ngoài ra, vận tải đường thuỷ không có điều kiện phát triển. Vận tải đường sắt không hiệu quả do chênh lệch địa hình, chi phí đầu tư rất cao. Vận tải hàng không chủ yếu phục vụ hành khách có cự lư dài tới khu vực phía Bắc và phía Nam.
Việc đầu tư dự án sẽ hình thành trục ngang Đông – Tây kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối trục dọc (cao tốc Bắc – Nam phía Đông, cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, QL1, đường bộ ven biển) phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải.
“Dự án cũng góp phần tạo dư địa, động lực phát triển không gian cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh xã hội, xoá đói giảm nghèo, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển KT-XH theo Nghị quyết XIII của Đảng”, tờ trình nêu.