10 năm chưa điều chỉnh giá dịch vụ kiểm định
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, giá dịch vụ kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT & BVMT) đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước; kiểm tra, đánh giá cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô và cơ sở đăng kiểm vẫn được áp dụng theo Thông tư số 239/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 11/11/2016.

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư định mức kinh tế – kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá kiểm tra, đánh giá, chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng ô tô (ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, suốt gần một thập kỷ qua, mức giá này chưa từng được điều chỉnh, trong khi chi phí đầu vào như nhân công, vật tư, máy móc, thiết bị… đã liên tục biến động. Mặt khác, các dịch vụ kiểm định hiện nay vẫn chưa có định mức kinh tế – kỹ thuật cụ thể làm cơ sở tính toán chi phí, dẫn đến khó khăn trong việc điều chỉnh giá theo thực tế.
Theo Luật Giá, việc quy định giá tối đa cho dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng và sẽ thay thế các Thông tư do Bộ Tài chính ban hành trước đây. Phương án giá này phải được xây dựng trên cơ sở đặc điểm kinh tế – kỹ thuật và các định mức kinh tế – kỹ thuật cụ thể của từng loại dịch vụ.
Tuy nhiên, đến nay, các định mức kinh tế – kỹ thuật cho dịch vụ kiểm định vẫn chưa được xây dựng và ban hành đầy đủ. Điều này làm chậm tiến độ xây dựng phương án giá, ảnh hưởng đến việc điều hành, quản lý hoạt động kiểm định.

Giá dịch vụ chứng nhận cơ sở đăng kiểm dự kiến sẽ thay đổi trong thời gian tới (ảnh minh hoạ).
Sắp ban hành 15 định mức kinh tế – kỹ thuật
Để khắc phục tình trạng trên, theo dự thảo Thông tư của Bộ Xây dựng, dự kiến sẽ có 15 định mức kinh tế – kỹ thuật được ban hành, áp dụng cho các hoạt động kiểm tra, chứng nhận chất lượng ATKT & BVMT đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp; cũng như đánh giá, chứng nhận các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, đăng kiểm.
Các hoạt động này gồm: Kiểm tra, thử nghiệm chất lượng ATKT & BVMT mẫu điển hình của một kiểu loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng sản xuất, lắp ráp; Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đăng ký chứng nhận kiểu loại phương tiện, phụ tùng sản xuất, lắp ráp trong nước;
Giám sát kiểm tra chất lượng xuất xưởng với mô tô, xe gắn máy, ô tô, rơ-moóc, xe bốn bánh có động cơ, xe máy chuyên dùng; Kiểm tra, đánh giá hồ sơ và chất lượng xe, phụ tùng nhập khẩu;
Đánh giá đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất phương tiện, phụ tùng; Kiểm tra, chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, cơ sở đăng kiểm; Kiểm tra, đánh giá để công nhận, chỉ định cơ sở thử nghiệm; Cấp phát phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng và quản lý cơ sở dữ liệu phương tiện xuất xưởng.
Các định mức này sẽ quy định cụ thể mức hao phí cần thiết để thực hiện mỗi dịch vụ, bao gồm: vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, dụng cụ lao động, nhân công, máy móc thiết bị và các chi phí liên quan khác.
Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, việc sớm ban hành các định mức kinh tế – kỹ thuật là yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất, công khai và minh bạch trong cung cấp dịch vụ kiểm định. Đây sẽ là cơ sở để tính toán chi phí hợp lý, phản ánh đúng, đủ chi phí thực tế mà các đơn vị cung cấp dịch vụ phải chi trả, từ đó xây dựng phương án giá phù hợp.
Đồng thời, định mức thống nhất cũng sẽ tạo mặt bằng chung cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ giữa các doanh nghiệp, người dân.