Nhiều nhà dân đang nằm trên tuyến
Cuối tháng 1 năm nay, có mặt tại vị trí cuối tuyến dự án này (địa phận phường 5, TP Đà Lạt), PV Báo Giao thông nhận thấy, trong số các hộ chưa giao đất, phần lớn nhà của dân còn nằm trên tim tuyến, còn lại nằm một phần trong diện tích phải thu hồi để làm dự án.
Vì vậy, cả đoạn tuyến (khoảng 300m) có những nơi nhà thầu đã thi công rải cấp phối đá dăm được một phần nền đường, còn lại vẫn là đường đất cũ. Đoạn cuối tuyến này trở thành đường găng, khiến dự án bị chậm tiến độ dù đã được cho gia hạn.
Theo UBND TP Đà Lạt, hiện còn 13 hộ dân ở phường 5 chưa đồng ý giao đất cho dự án. Trong đó, có 10 hộ khiếu nại về giá đền bù, tiền hỗ trợ, bố trí đất tái định cư, diện tích đất bị thu hồi, có hộ đã chấp thuận nhưng chưa giao đất…
Còn 3 hộ có diện tích đất bị thu hồi thuộc phạm vi đường găng để thông tuyến, UBND thành phố Đà Lạt đã có quyết định giao đất tái định cư cho các hộ nhưng các hộ vẫn chưa giao đất cho chủ đầu tư.
Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng (chủ đầu tư dự án), thời gian qua, UBND TP Đà Lạt đã cố gắng giải phóng mặt bằng (GPMB) để thi công Dự án xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt và cơ sở hạ tầng các khu dân cư.
Theo tiến độ thực hiện (đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép điều chỉnh), dự án phải hoàn thành đưa vào sử dụng trước 31/12/2024. Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được khoảng 84% khối lượng xây lắp và giải ngân thanh toán đạt gần 85% trên tổng số vốn đã bố trí (737/870 tỷ đồng). Nguyên nhân chậm chủ yếu do khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB vẫn chưa được giải quyết, trên tuyến còn nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng.
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc nêu trên, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND TP Đà Lạt chỉ đạo các bên liên quan xem xét trả lời đơn kiến nghị của các hộ dân để tiến hành các bước tiếp theo. Đồng thời chỉ đạo UBND các phường 4, 5 tiếp tục vận động các hộ dân nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng. Cùng với đó, sớm giải quyết đơn khiếu nại và có kế hoạch, biện pháp tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật để bàn giao mặt bằng thi công.
Tiếp tục xin gia hạn tiến độ
Dự án xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt và cơ sở hạ tầng các khu dân cư có tổng kinh phí đầu tư 870 tỷ đồng, được thi công từ tháng 7/2021 dự kiến đến 6/2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề liên quan đến GPMB, thời gian hoàn thành đã được gia hạn đến ngày 31/12/2024.
Đến nay, dự án đã được thi công hoàn thiện đoạn Trúc Lâm – Yên Tử nối dài (2,6km), đoạn cầu Suối Tía – An Sơn (1,8km), đoạn An Sơn – Y Dinh – An Tôn đã thi công cơ bản được 2,7/3km. Còn 300m cuối tuyến còn lại hiện đang vướng mặt bằng chưa thể hoàn thiện.
Trước những vướng mắc trong GPMB và một số khó khăn khách quan ảnh hưởng đến việc thi công của các nhà thầu, mới đây, Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt kéo dài thời gian thực hiện dự án đến cuối năm nay.
Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, tiến độ xây lắp của dự án chậm là do công tác GPMB chậm, các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng với lý do chưa đồng ý nhận tiền, một số trường hợp chưa được giao đất tái định cư…
Hiện, Sở đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chuyển gần 72 tỷ đồng từ nguồn vốn được bố trí năm 2024 (chưa giải ngân) sang năm 2025 để tiếp tục giải ngân hoàn thành dự án. Đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND TP Đà Lạt bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
“Do công tác GPMB chưa thực hiện xong, không thể tổ chức thi công đồng loạt sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và không thể hoàn thành dự án trong năm 2024. Vì vậy, Sở GTVT đề nghị chuyển nguồn vốn còn lại sang năm 2025 để tiếp tục hoàn thành dự án.
Sở cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Đà Lạt khẩn trương nghiên cứu bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công ngoài hiện trường, đảm bảo hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra phát huy hiệu quả đầu tư, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của nhân dân, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng cho biết.