Có cơ sở hình thành cảng cạn
Cục Hàng hải VN vừa trình Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại Tờ trình, Cục Hàng hải VN đề xuất bổ sung quy hoạch cảng cạn gắn với cảng hàng không Gia Bình (Bắc Ninh).
Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được quy hoạch 4 cảng cạn, gồm: Tiên Sơn, Tân Chi, Quế Võ, Yên Phong thuộc hành lang vận tải Hà Nội – Hải Phòng.
Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Gia Bình được quy hoạch sân bay chuyên dùng phục vụ an ninh – quốc phòng.
Mặt khác, theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định “Quy hoạch 1 cảng hàng không (tiềm năng) tại huyện Gia Bình (dự kiến quy mô khoảng 245 ha)”.
Giai đoạn đến năm 2030 là “Sân bay đa năng lưỡng dụng (sử dụng cho chuyên cơ, máy bay chở hàng), dự phòng quốc gia (tương đương cấp 4E)”.
Hiện nay, theo nội dung đề án nghiên cứu khả năng hình thành Cảng hàng không Gia Bình, sân bay chuyên dùng Gia Bình được điều chỉnh quy hoạch thành cảng hàng không lưỡng dụng, phục vụ đồng thời an ninh quốc phòng và thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đề án cũng đã bổ sung nội dung về việc hình thành cảng cạn Gia Bình gắn liền với hoạt động của cảng hàng không Gia Bình và gắn liền với các trung tâm logistics.
Cảng cạn được xác định là đầu mối tổ chức vận tải gắn liền với hoạt động của cảng biển, cảng hàng không, cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cửa khẩu đường bộ và ưu tiên hình thành và phát triển các cảng cạn gắn với khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm logistics.
Do đó, Cục Hàng hải VN cho rằng việc hình thành cảng cạn gắn liền với Cảng hàng không Gia Bình là hoàn toàn có cơ sở.
Dư địa hàng hoá lớn
Việc hình thành cảng cạn Gia Bình cũng được xác định sẽ phục vụ riêng cho cảng hàng không Gia Bình.
Đây sẽ là cảng cạn có chức năng rõ ràng nhất, phục vụ hàng hóa theo đường hàng không, có thể kết hợp phục vụ hàng hóa đường biển, đường bộ của một số khu công nghiệp lân cận.
Theo dự báo, hàng hóa thông qua cảng cạn Gia Bình khoảng 0,48 – 0,72 triệu tấn (tương đương 0,04 – 0,06 triệu TEU) giai đoạn đến năm 2030.
Trong đó, hàng hóa hàng không khoảng 0,26 triệu tấn (tương đương 0,022 triệu TEU) và hàng hóa đường biển, đường bộ khoảng 0,22 – 0,46 triệu tấn (tương đương 0,018 – 0,038 triệu TEU).
Tới năm 2030, tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng hàng không từ các khu công nghiệp trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nội dự báo khoảng hơn 1,5 triệu tấn và đạt hơn 11 triệu tấn vào năm 2050.
Riêng khối lượng hàng hoá thông qua Cảng hàng không Gia Bình khoảng 0,26 triệu tấn vào năm 2030 và 1 triệu tấn vào năm 2050.
Do đặc thù của hàng hóa hàng không đòi hỏi mức độ kiểm soát an ninh cao hơn, có thể giả định 100% lượng vận chuyển hàng hóa hàng không thông qua sân bay Gia Bình sẽ thông qua cảng cạn Gia Bình.
Xét theo vùng hấp dẫn của vị trí cảng đặt tại huyện Gia Bình, cảng cạn Gia Bình cũng có thể thu hút thêm một phần hàng hóa container đường biển, đường bộ, trên hành lang, tương ứng khoảng 0,22 – 0,46 triệu tấn hàng hóa.
Bộ GTVT được yêu cầu khẩn trương lập bổ sung và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tiến độ hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 Cảng hàng không Gia Bình theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Giao GTVT được uỷ quyền quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng quy trình, thủ tục và quy định để xem xét, bổ sung cảng cạn tại Cảng hàng không Gia Bình, bảo đảm đồng bộ với tiến độ triển khai Cảng hàng không Gia Bình.