Pháp chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác đường sắt

Chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn công nghệ, khai thác vận tải

Đây là khởi đầu thiết thực và có ý nghĩa trong khuôn khổ triển khai thực hiện Bản ghi nhớ Hợp tác trong lĩnh vực GTVT giữa Bộ GTVT Việt Nam và Cơ quan phát triển Pháp.

Bản ghi nhớ được ký tháng 10/2024 nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng Bí thư Tô Lâm tới nước Cộng hòa Pháp, nhằm đưa ra cơ chế phối hợp, tạo điều kiện và tăng cường hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực GTVT, trong đó lĩnh vực GTVT đường sắt là một trong những trụ cột hợp tác chính giữa hai bên.

Pháp chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác đường sắt- Ảnh 1.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, các kiến thức, kinh nghiệm về đầu tư, phát triển đường sắt của đường sắt Pháp sẽ rất hữu ích đối với đường sắt Việt Nam (Ảnh: Tạ Hải).

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam – Pháp lĩnh vực GTVT. Đặc biệt, Bản ghi nhớ hợp tác là bước phát triển mới, thúc đẩy hợp tác hai bên.

“Riêng lĩnh vực đường sắt, kinh nghiệm trong đầu tư, phát triển đường sắt Pháp, châu Âu và trên thế giới phía Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp và Cơ quan Phát triển Pháp chia sẻ vô cùng hữu ích, qua đây các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp, trường đại học Việt Nam sẽ học hỏi, tham khảo, áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam”, Thứ trưởng Huy nói và bày tỏ hy vọng hai bên tiếp tục có các hoạt động hợp tác bổ ích như hội thảo này.

Về phía SNCF, ông Diego Diaz, Giám đốc bộ phận quốc tế của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), kiêm Chủ tịch công ty con SNCF International bày tỏ SNCF vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm với đường sắt Việt Nam, cho thấy sự tin tưởng của Chính phủ Việt Nam và Bộ GTVT với SNCF.

Pháp chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác đường sắt- Ảnh 2.

Ông Diego Diaz, Giám đốc bộ phận quốc tế của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF) bày tỏ vinh dự được chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về phát triển đường sắt (Ảnh: Tạ Hải).

“Lĩnh vực đường sắt không chỉ là nghề mà còn là tâm huyết của chúng tôi. Mong rằng với chia sẻ của chúng tôi, sẽ đưa ra được giải pháp vận tải khách an toàn, đồng thời đưa di chuyển bằng tàu hỏa trở thành trải nghiệm sống đáng kể. Từ đó phát triển vận tải đường sắt. Qua đó đóng góp đáng kể cho mục tiêu là giảm phát thải khí carbon cũng như tăng cường mối quan hệ hợp tác hai bên”, ông Diego Diaz nhấn mạnh.

Tại hội thảo diễn ra khoảng 1,5 ngày, phía SNCF chia sẻ 3 chuyên đề: “Vùng, dân cư và những yếu tố quyết định đến việc cung cấp dịch vụ vận tải và chiến lược kinh doanh”; “Quản lý hiệu quả trong hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa”; “Những nguyên tắc cơ bản về an toàn và lựa chọn công nghệ”.

Xem xét toàn diện trước khi lựa chọn đầu tư loại hình đường sắt

Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, phát triển đường sắt tại Pháp cũng như từ các quốc gia phát triển khác, ông Pierre Messulam, nguyên Giám đốc của SNCF, Chủ tịch sáng lập Công ty Tư vấn Sémaphore S.A.S. nhấn mạnh, đường sắt là loại hình giao thông trên mặt đất chiếm diện tích nhỏ hơn 5 lần so với đường bộ và tiêu hao năng lượng thấp nhất, tiết kiệm hơn 5-10 lần so với các phương thức vận tải khác.

Pháp chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, khai thác đường sắt- Ảnh 3.

Ông Pierre Messulam, nguyên Giám đốc của SNCF chia sẻ về các yếu tố cần xem xét khi đầu tư đường sắt (Ảnh: Tạ Hải).

Khi xem xét các trường hợp đầu tư đường sắt, có thể thấy với vận tải hành khách: Nên đầu tư tốc độ cao khi muốn đẩy nhanh các hoạt động giao thương giữa các trung tâm kinh tế lớn mà hạn chế sử dụng máy bay và muốn phát triển du lịch; Giao thông liên tỉnh khi muốn phát triển kết nối giữa các thành phố lớn cách nhau từ 50km đến 250km và hạn chế giao thông đường bộ;

Vận tải khối lượng lớn (Mass transit) khi cần vận chuyển từ 100.000 đến 2.000.000 hành khách/ngày trên một tuyến duy nhất cho nhu cầu từ nơi ở/công việc, từ nơi ở/trường học và đào tạo; Giao thông vùng khi cần phục vụ các khu vực bán đô thị hoặc nông thôn với vận tải khối lượng lớn về số lượng hành khách cần vận chuyển.

Với vận tải hàng hóa, đường sắt là phương thức vận tải không thể thay thế đối với tất cả các loại hàng hóa có trọng tải lớn mà đường thủy không thể đảm đương và tất cả các loại hàng hóa có khối lượng rất lớn như: Hàng ở thể rời rắn là khoáng sản, than, vật liệu xây dựng, nông sản thực phẩm (ngũ cốc/gạo, phân bón); Hàng ở thể rời lỏng là dầu, khí và sản phẩm hóa chất; Container.

Tuy nhiên, theo ông Pierre Messulam, việc đầu tư tuyến đường sắt mới cần được trên cơ sở xác định nhu cầu, dựa trên đặc điểm về nhân khẩu học, địa lý và khí hậu. Trong đó yếu tố về dân số, mật độ dân số, phân bổ dân cư rất quan trọng, cùng đó là các yếu tố về phát triển kinh tế, giáo dục và khoảng cách di chuyển, giá vé ảnh hưởng lớn hiệu quả đầu tư.

Các yếu tố về địa lý, khí hậu, đặc biệt là về bảo vệ môi trường, tính bền vững sẽ ảnh hưởng lớn đến các yếu tố về kĩ thuật, công nghệ, an toàn, từ đó ảnh hưởng đến chi phí.

Đặc biệt, cần lưu ý vấn đề kết nối giữa đường sắt tốc độ cao với các phương thức vận tải khác, với đường sắt truyền thống, đường sắt đô thị trong gom, giải tỏa hành khách, hàng hóa.

Tất cả các vấn đề này là các yếu tố quan trọng khi lựa chọn, xác định công nghệ cho một tuyến đường sắt trong tương lai.

Theo chương trình chia sẻ kinh nghiệm, phục vụ phát triển đường sắt Việt Nam, sau hội thảo, phía đoàn Pháp tiếp tục làm việc với các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; về hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam và tổ chức kinh doanh đường sắt; trao đổi kế hoạch thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng…

Đột phá thể chế, tạo đòn bẩy phát triển đường sắtĐột phá thể chế, tạo đòn bẩy phát triển đường sắt

Hôm nay (10/1), Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội do ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã khảo sát tại Hải Phòng, phục vụ thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *